1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Biểu hiện khi cơ thể nhiễm giun móc

(Dân trí) - Ấu trùng giun móc xâm nhập vào cơ thể người qua đường da là chủ yếu, chúng còn có thể xâm nhập qua đường tiêu hóa.

  

Biểu hiện khi cơ thể nhiễm giun móc - 1


Về vòng đời, giun móc đực và giun móc cái giao phối, con cái đẻ trứng ở ruột non. Trứng giun móc theo phân thải ra ngoài, chịu ảnh hưởng của các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... của ngoại cảnh và phát triển thành ấu trùng giun. Sau khi ấu trùng giun móc chui qua da xâm nhập vào cơ thể người, ấu trùng giun theo đường tĩnh mạch tới tim phải rồi đến phổi. Tại đây, ấu trùng giun chọc thủng mao mạch và phế nang, theo khí quản lên họng, đến thực quản, xuống dạ dày và ruột để phát triển thành giun trưởng thành, ký sinh ở tá tràng và ruột non.

 

Giai đoạn ấu trùng qua da

 

Khi ấu trùng giun móc chui qua da, thường phát hiện thấy ở vùng da của mu bàn chân, các kẽ ngón chân, ngón tay; ấu trùng gây ra những nốt mẩn đỏ, ngứa ngáy rất khó chịu với biểu hiện của triệu chứng viêm da. Hiện tượng này còn được gọi là “ngứa do đất”.

 

Triệu chứng ngứa rất nhiều, có ban đỏ, phù nề, sau đó thành nốt mọng nước. Diễn biến lâm sàng thường xảy ra khoảng từ 3 đến 5 ngày rồi tự biến mất nhưng cũng có thể kéo dài tới 2 tuần. Ở những vùng có giun móc lưu hành, biểu hiện này thường không để ý, dễ bị bỏ qua hoặc hiếm thấy. 

 

Giai đoạn ấu trùng qua phổi

 

Khi ấu trùng giun móc qua phổi thường gây nên biểu hiện bệnh lý giống như ấu trùng giun đũa. Ấu trùng giun móc ở phổi sẽ kích thích đường hô hấp gây ho, có thể có đờm lẫn máu, người bệnh bị sốt thất thường, khó thở như hen suyễn; chụp phim X quang phổi thấy có triệu chứng thâm nhiễm nhẹ giống bệnh lao. Các triệu chứng này chỉ tồn tại vài ngày rồi tự hết, thường được gọi là hội chứng Loeffler.

 

Chẩn đoán ấu trùng giun và phòng bệnh

 

Về chẩn đoán bệnh, trong giai đoạn ấu trùng giun móc chui xuyên qua da khó phát hiện vì thường người bệnh không để ý đến. Trong giai đoạn ấu trùng giun di chuyển qua phổi, thường có biểu hiện bệnh lý bằng hội chứng Loeffler nếu chú ý xem xét và có thể tìm thấy trứng của giun móc ở trong đờm. 

 

Muốn phòng bệnh có hiệu quả, cần phát hiện, điều trị bệnh nhân để hạn chế nguồn bệnh; xử lý tốt nguồn phân thải bằng cách sử dụng các loại hố xí hợp vệ sinh. Ngoài ra cần giáo dục ý thức vệ sinh, kiến thức phòng bệnh vì nhiều nơi mặc dù có đầy đủ hố xí hợp vệ sinh nhưng trẻ nhỏ vẫn thích phóng uế bừa bãi ra ngoài đất. Việc làm sạch ngoại cảnh cũng cần thiết để diệt trứng, ấu trùng giun móc bằng cách rắc vôi bột, muối vào những chỗ đất có khả năng bị ô nhiễm nặng như chung quanh các hố xí có chứa nguồn phân thải.

 

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh