Bí tiểu, khó tiểu - dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư bàng quang

Hồng Hải

(Dân trí) - Theo Bệnh viện K, có 4 dấu hiệu nhận diện nguy cơ ung thư bàng quang ở giai đoạn sớm, trong đó, cần rất chú ý đến các biểu hiện liên quan đường tiểu.

Ung thư bàng quang giai đoạn đầu là ung thư bàng quang không xâm lấn các cơ bàng quang.

Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư chỉ mới phát triển, còn nằm ở bên trong lớp niêm mạc của bàng quang, chưa phát triển qua lớp niêm mạc để vào lớp cơ sâu hơn của bàng quang.

Bí tiểu, khó tiểu - dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư bàng quang - 1

Triệu chứng sớm của ung thư bàng quang thường thể hiện các đặc điểm liên quan đến tiểu tiện (Ảnh: Mayoclinic).

Ung thư bàng quang giai đoạn này cũng chưa lan tràn đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc đến các bộ phận xa của cơ thể như xương, phổi hoặc gan.

Vì thế, việc phát hiện ung thư bàng quang ở giai đoạn này rất quan trọng, vô cùng có ý nghĩa trong việc điều trị bệnh và nâng cao khả năng sống cho bệnh nhân.

Dưới đây là 4 dấu hiệu nhận biết ung thư bàng quang giai đoạn đầu, theo Bệnh viện K:

Đi tiểu ra máu

Tiểu lẫn máu điển hình trong ung thư bàng quang. Người bệnh có thể bị tiểu máu từng đợt, tiểu máu đại thể, toàn bãi, không đau.

Đi tiểu lẫn máu (đầu lần tiểu) thường có nguyên nhân từ niệu đạo. Đi tiểu lẫn máu (cuối lần tiểu) thông thường xuất phát từ cổ bàng quang hoặc niệu đạo tiền liệt tuyến. Đi tiểu lẫn máu (cả lần tiểu) thì có thể do tổn thương từ bất kể nơi nào trên đường tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang.

Khó tiểu, tiểu không tự chủ

Các biểu hiện đi tiểu khó và đau khi đi tiểu; đi tiểu buốt, không tự chủ, có dấu hiệu tắc nghẽn đường tiết niệu thường do bàng quang bị kích thích hoặc bị giảm thể tích.

Các triệu chứng này thường xuất hiện đầu tiên, trước khi xuất hiện triệu chứng tiểu có lẫn máu, khi có những dấu hiệu này không nên bỏ qua suy nghĩ đến ung thư bàng quang tại chỗ.

Đặc biệt là khi thấy nước tiểu có màu sậm hơn bình thường, dù đã uống đủ lượng nước cần thiết thì nên đi xét nghiệm xem có phải mình đã mắc bệnh ung thư bàng quang hay không.

Đau vùng lưng dưới

Đau vùng lưng dưới cũng là một dấu hiệu sớm cảnh báo sức khỏe có vấn đề, không loại trừ ung thư bàng quang.

Mệt mỏi, chán ăn

Nếu bạn xuất hiện biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân, tuyệt đối không nên chủ quan, nó có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều loại bệnh, trong đó có ung thư (bất kể loại ung thư nào).

Vì thế, bỗng dưng giảm cân nhiều mà không thực hiện bất cứ chế độ ăn kiêng, tập luyện nào, ăn uống không ngon miệng, mệt mỏi, cần phải đi khám sớm.

Bác sĩ cho biết, điều trị ung thư bàng quang giai đoạn đầu mang lại rất nhiều cơ hội sống cho người bệnh. Ở giai đoạn này, bệnh nhân thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u qua nội soi hoặc mổ mở.

Trong phẫu thuật này, bác sĩ phẫu thuật đưa ống soi vào bàng quang. Các dụng cụ chuyên biệt được đưa qua ống soi sử dụng để cắt bỏ hoặc đốt cháy khối u. Ngoài ra, có thể sử dụng tia laser năng lượng cao.

Ung thư bàng quang giai đoạn đầu không cần điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ bàng quang. Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ bàng quang chỉ được chỉ định khi ở giai đoạn muộn hơn.

Ngoài ra bệnh nhân có thể được hóa trị, sử dụng liệu pháp miễn dịch để tăng hiệu quả sau phẫu thuật.

Để phòng ngừa ung thư bàng quang, mọi người không nên hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc khói thuốc lá.

Nếu làm việc trong môi trường tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại cần tuân thủ thực hiện đúng các quy định bảo hộ lao động.

Cần kiểm tra nguồn nước sinh hoạt để xác định nồng độ, hàm lượng kim loại nặng và một số chất độc hại có trong nước trước khi sử dụng.

Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể bài tiết, đào thải các độc tố; ăn các loại rau củ chứa nhiều chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa…

Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe.