1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

3 dấu hiệu ở chân cảnh báo ung thư phổi

Thảo Vy

(Dân trí) - Việc nhận biết sớm các dấu hiệu ung thư phổi, đặc biệt là những triệu chứng xuất hiện ở chân, có thể giúp phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến nhất và có tỷ lệ tử vong cao nhất tại nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.

Việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh có thể giúp cải thiện hiệu quả điều trị và tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân. Đặc biệt, các dấu hiệu xuất hiện ở chân có thể là cảnh báo sớm về ung thư phổi giai đoạn cuối mà nhiều người thường bỏ qua.

Weiwei, 48 tuổi, là kỹ sư của một công ty phần mềm ở Bắc Kinh. Sau một thời gian dài làm việc căng thẳng và thường xuyên thức khuya, anh bắt đầu bị ho liên tục và xuất hiện các triệu chứng bất thường ở chân như sưng, đau và tức nặng.

Ban đầu, anh không để ý, nhưng khi triệu chứng trở nên trầm trọng, anh mới đi khám và được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Trường hợp của Weiwei không phải là hiếm, nhiều người cũng chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn.

Theo Aboluowang, khi mắc ung thư phổi giai đoạn cuối có thể xuất hiện các dấu hiệu ở chân dưới đây:

Sưng chân

3 dấu hiệu ở chân cảnh báo ung thư phổi - 1

Sưng chân là một trong các dấu hiệu ung thư phổi (Ảnh: Getty).

Sưng chân là một trong những dấu hiệu đáng chú ý cảnh báo ung thư phổi giai đoạn cuối.

Sự phát triển của ung thư đòi hỏi một lượng lớn chất dinh dưỡng, dẫn đến giảm albumin máu, khiến nước thoát vào các mô và gây phù chân. Ngoài ra, ung thư phổi có thể di căn và chặn các mạch bạch huyết, gây phù nề cục bộ.

Màu da chân thay đổi bất thường

3 dấu hiệu ở chân cảnh báo ung thư phổi - 2

Khi bạn nhận thấy sự thay đổi màu da bất thường ở chân, đặc biệt là nếu kèm theo các triệu chứng khác, cần đi khám ngay để kiểm tra sức khỏe (Ảnh: Getty).

Ung thư phổi có thể ảnh hưởng đến chức năng tuần hoàn của phổi, dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong máu và lưu thông máu kém.

Điều này có thể khiến da chân chuyển sang màu trắng hoặc xanh. Khi bạn nhận thấy sự thay đổi màu da bất thường ở chân, đặc biệt là nếu kèm theo các triệu chứng khác, cần đi khám ngay để kiểm tra sức khỏe.

Đau chân

3 dấu hiệu ở chân cảnh báo ung thư phổi - 3

Cẩn trọng khi cảm giác đau chân không rõ nguyên do kéo dài (Ảnh: Getty).

Đau chân có thể là dấu hiệu ung thư phổi đã di căn đến xương hoặc xâm lấn vào mạch máu ở chân, gây thiếu máu cục bộ và đau. Cảm giác đau này không nên bị xem nhẹ, đặc biệt là khi không rõ nguyên nhân và kéo dài.

Các nhóm nguy cơ cao cần kiểm tra định kỳ

Đa số bệnh nhân ung thư phổi có liên quan đến tiền sử hút thuốc lá. Khói thuốc lá chứa hơn 7000 chất hóa học, ít nhất 250 chất đã được biết là gây hại tới sức khỏe. Trong 250 chất này, có ít nhất 69 chất gây ung thư.

Tuy nhiên có khoảng 10-15% các bệnh nhân ung thư phổi chưa từng hút thuốc lá.

Một số nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi nên thực hiện chụp CT hàng năm để phát hiện sớm bệnh:

- Người trung niên và cao tuổi trên 40 tuổi.

- Người từ 50 đến 70 tuổi có tiền sử hút thuốc.

- Công nhân mỏ và các nghề đặc biệt khác.

- Người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi.

- Người hút thuốc nhiều năm hoặc số lượng lớn.

- Bệnh nhân viêm phế quản mãn tính, lao, hen suyễn và các bệnh về phổi khác.

Lưu ý phòng ngừa ung thư phổi

Để phòng ngừa ung thư phổi, bạn nên thực hiện "2 nhiều và 1 ít" dưới đây:

- Uống nhiều nước: Uống 2000-2500ml nước mỗi ngày giúp thải độc và bảo vệ phổi.

- Ăn nhiều thực phẩm màu trắng: Các thực phẩm như củ sen, mộc nhĩ trắng giúp bổ phổi và tăng cường sức khỏe.

- Kiểm soát cơn giận: Luôn tức giận và phản ứng cảm xúc sẽ khiến phế nang giãn nở gây ra các triệu chứng như tức ngực, khó thở. Các tình trạng này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe phổi. Vì vậy nên tránh thường xuyên tức giận và điều hòa sức khỏe phổi của bạn.