Bị tiểu đường có làm tăng nguy cơ mắc ung thư không?

Hà An

(Dân trí) - Một số nghiên cứu cho thấy bệnh tiểu đường có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc một số loại ung thư như bàng quang, vú ở phụ nữ, tuyến tụy, buồng trứng…

Ung thư không phải là một bệnh riêng lẻ mà là một nhóm các bệnh liên quan. Nhiều thứ trong gen, lối sống và môi trường xung quanh chúng ta có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Bị tiểu đường có làm tăng nguy cơ mắc ung thư không? - 1

Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, một số nghiên cứu thậm chí chỉ ra rằng bị tiểu đường còn làm tăng nhẹ nguy cơ mắc một số bệnh ung thư sau:

- Ung thư bàng quang.

- Ung thư vú ở phụ nữ.

- Ung thư đại trực tràng.

- Ung thư nội mạc tử cung.

- Ung thư gan.

- Ung thư phổi.

- Ung thư miệng.

- Ung thư hầu họng.

- Bệnh ung thư buồng trứng.

- Ung thư tuyến tụy.

Bệnh tiểu đường và ung thư có cùng một số yếu tố nguy cơ. Các yếu tố rủi ro này bao gồm tuổi, bị béo phì, hút thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh, lười tập thể dục. 

Vì bệnh tiểu đường và ung thư có chung các yếu tố nguy cơ này, nên khó có thể biết liệu nguy cơ ung thư tăng lên do bệnh tiểu đường hay do các yếu tố nguy cơ này. Các nghiên cứu đang được thực hiện để xem các thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư như thế nào.

Tiểu đường hay đái tháo đường là nhóm bệnh chuyển hóa gây ảnh hưởng đến khả năng sản sinh hoặc sử dụng insulin của cơ thể, hormone giúp chuyển hóa glucose thành năng lượng. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng về tim mạch, thận hoặc đột quỵ. 

Lời khuyên về cách dự phòng ung thư bằng thay đổi lối sống

Tránh xa thuốc lá

Bạn hãy nhớ không có dạng thuốc lá an toàn. Nếu bạn đang hút thuốc lá, hãy dừng lại. Đồng thời, khuyến khích những người xung quanh bạn bỏ thuốc lá. Bạn nên tránh xa khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) vì nó cũng có khả năng gây ra ung thư cũng như nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Khi khói thuốc lan tỏa trong không khí, đặc biệt là tại những nơi khép kín, đông người sẽ ảnh hưởng đến cá nhân những người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc. Người hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh ung thư.

Duy trì cân nặng hợp lý

Thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư. Bạn có thể kiểm soát cân nặng của mình bằng những lựa chọn về ăn uống lành mạnh và tập thể dục.

Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Mỹ năm 2017, béo phì là nguyên nhân thứ 2 gây ung thư sau hút thuốc lá và được các chuyên gia dự đoán sẽ trở thành nguyên nhân hàng đầu trong thập kỷ tới. Hàng năm có khoảng 1,7 triệu người Mỹ được chẩn đoán ung thư, trong số đó có 40% trường hợp có liên quan với các dấu hiệu thừa cân, béo phì.

Hoạt động thể chất

Đối với người lớn, mỗi tuần, dành ít nhất 150-300 phút hoạt động thể chất cường độ trung bình hoặc 75-150 phút hoạt động cường độ mạnh (hoặc kết hợp những hoạt động này). Trẻ em và thiếu niên nên dành ít nhất 1 giờ hoạt động cường độ trung bình hoặc mạnh mỗi ngày.

Ăn uống lành mạnh

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế hoặc tránh các loại thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, đồ uống có đường và thực phẩm đã qua chế biến. 

Tốt nhất bạn không nên uống rượu. Nếu bạn có uống rượu, không quá 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ hoặc 2 ly mỗi ngày đối với nam giới.