Bị sởi tấn công, nhiều thai phụ mất con, sinh non
(Dân trí) - Từ cuối năm 2018 đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới tiếp nhận nhiều thai phụ bị sởi tấn công dẫn tới sảy thai, sinh non. Bên cạnh đó, số trẻ mắc sởi nhập viện điều trị cũng đang tăng đột biến, nhiều bệnh nhi chưa đến tuổi chích ngừa đã nhiễm bệnh.
Năm 2014, cả nước đã phải đối mặt với sự lây lan, bùng phát dữ dội của dịch sởi với khoảng 7.000 trẻ mắc bệnh, hơn 100 ca tử vong. Sau 4 năm tạm lắng, bệnh sởi đang quay trở lại, đe dọa bùng phát trên diện rộng.
Sởi là bệnh lây qua đường hô hấp, với tốc độ rất nhanh, khó kiểm soát. Ngành y tế đã liên tiếp cảnh báo về nguy cơ gia tăng của bệnh sởi và bùng phát dịch theo tính chu kỳ 4 đến 5 năm 1 lần, nhưng sự thờ ơ của cộng đồng đang khiến nhiều người phải trả giá.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM đã và đang là nơi phải tiếp nhận, điều trị cho nhiều bệnh nhân người lớn và trẻ em bị sởi tấn công với diễn tiến nặng, nguy hiểm. Ngày 14/1, thông tin từ bệnh viện cho hay, khoảng 2 tháng qua số mắc bệnh sởi nhập viện đã tăng đột biến. Cụ thể, tháng 10/2018 khoa chỉ tiếp nhận 76 ca mắc sởi, đến tháng 11 tăng lên 120 ca, tháng 12 là 269 ca, từ đầu năm 2019 mỗi ngày có khoảng 70 trường hợp mắc sởi điều trị nội trú.
Đáng lưu ý, bệnh sởi đang tấn công nhiều bệnh nhân là phụ nữ mang thai và trẻ em chưa đến tuổi chủng ngừa. BS Huỳnh Thị Thuý Hoa, Trưởng khoa Nội A cho hay, chỉ tính riêng trong ngày 14/1 bệnh viện hiện đang điều trị cho 65 bệnh nhân mắc sởi, trong đó có 38 ca trẻ em và 7 thai phụ. Trong 3 tháng qua có 1 trường hợp bị thai chết lưu, 3 thai phụ khác sinh non vì mắc sởi.
Một thai phụ bị sởi tấn công đang được chăm sóc, điều trị
Trẻ mắc sởi nhập viện hầu hết trong nhóm dưới 5 tuổi, đây là nhóm chữa được chích ngừa sởi hoặc chích ngừa chưa đầy đủ. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp mắc sởi từ khi chưa đến thời điểm chích ngừa mũi đầu tiên theo chương trình tiêm chủng mở rộng (lúc 9 tháng tuổi).
Tại TPHCM, thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng trong tuần đầu của năm 2019 cho thấy bệnh sởi vẫn đang lưu hành trên tất cả 24 quận huyện. Nếu tuần đầu năm 2018 thành phố không có trường hợp mắc sởi thì cùng kỳ năm 2019 đã có 60 ca sởi được ghi nhận. Điểm nóng của bệnh sởi đang tập trung tại quận Thủ Đức, Bình Tân, quận 8, quận 12.
Hiện nay, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phòng bệnh bằng vắc xin là giải pháp sống còn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Vắc xin ngừa sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ được chích mũi đầu cho trẻ khi các bé được 9 tháng tuổi, chích nhắc khi trẻ được 18 tháng tuổi. Trẻ chích ngừa sởi lúc 9 tháng tuổi chỉ có tỷ lệ đáp ứng miễn dịch khoảng 85-90% nên cần chích nhắc lại mũi thứ 2.
Nhiều trẻ bị sởi tấn công khi chưa đến tuổi chích ngừa
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh hoặc cố tình không cho con em mình chích sởi hoặc quên chích nhắc lại cho trẻ đã tạo ra những lỗ hổng miễn dịch trong cộng đồng. Khi có ca bệnh xuất hiện, những trẻ chưa được chích ngừa, chích chưa đầy đủ sẽ đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh, dịch bệnh chỉ dừng lại khi đã tấn công hết nhóm đối tượng chưa có kháng thể.
Để chủ động bảo vệ sức khỏe cho con em mình, Trung tâm Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn, chích ngừa sởi cũng như các bệnh đã có vắc xin chủng ngừa. Trước nguy cơ dịch bùng phát, ngành y tế TPHCM đang chủ động thực hiện tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho trẻ sinh trong giai đoạn từ 2014 đến 2017. Đây là chiến dịch tiêm chủng hoàn toàn miễn phí, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm chủng để tránh nguy cơ nhiễm bệnh cho các bé.
Bệnh sởi thường xuất hiện rải rác quanh năm, vào các tháng mưa lạnh sởi có thể tăng nhanh hơn. Bệnh do siêu vi của đường hô hấp trên, khi nhiễm sởi người bệnh thường có các biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, mắt đỏ, sưng. Thời gian ủ bệnh của sởi từ 7 đến 15 ngày, khi phát bệnh ngày thứ 3 đến ngày thứ 4 cơ thể bệnh nhân ngày sẽ xuất hiện những ban đặc trưng của sởi tập trung ở vùng mặt, sau đó lan sang tai, ngực, bụng rồi đến tay chân.
Tiêm vắc xin là giải pháp sống còn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước bệnh sởi
Bệnh lây qua đường hô hấp, những trường hợp bệnh nhẹ có thể điều trị cách ly tại nhà. Người bệnh cần mang khẩu trang để tránh lây lan, trong tuần đầu phát ban hạn chế đến nơi đông người. Những người chăm sóc bệnh phải chú ý thường xuyên mang khẩu trang, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ cho nhà cửa luôn thoáng mát, bổ sung vitamin C, dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.
Bệnh nhân mắc sởi có thể đối mặt với biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, nguy cơ tử vong. Những trường hợp bệnh nặng có biểu hiện sốt cao kéo dài, lơ mơ, suy hô hấp cần phải nhập viện để được bác sĩ theo dõi, điều trị tránh biến chứng nguy hiểm. Phụ nữ đang mang thai nếu mắc sởi có nguy cơ sảy thai, sinh non. Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chích ngừa sởi và các loại bệnh đã có vắc xin chủng ngừa trước khi mang thai. Bà bầu có dấu hiệu bệnh sởi cần nhanh chóng đến cơ sở y tế khám, theo dõi dấu hiệu của thai để được hỗ trợ y tế kịp thời.
Vân Sơn