Bí quyết "trị" hiện tượng căng sữa khi mới sinh bé
Hầu như mọi phụ nữ sau sinh 2-5 ngày đều có cảm giác căng ngực. Đây là một hiện tượng của quá trình tạo sữa cho trẻ. Lúc này, tình trạng phù nề mô tuyến sữa gây ra cảm giác nặng ngực, đau nhẹ hay nóng, đi kèm với căng ngực.
Căng ngực bình thường có thể chuyển sang dạng căng sữa nếu trẻ sơ sinh không bú đủ hay người mẹ không cho bú và không biết cách làm trống bầu sữa thường xuyên một cách hiệu quả.
Khi cảm giác căng ngực không giảm bớt, dịch xung quanh tuyến sữa tụ lại và tuyến sữa bắt đầu sưng lên, bầu vú của người mẹ cứng dần lên và vùng da xung quanh bị căng bóng. Lúc này bầu vú bị đau, đôi khi người mẹ có thể bị sốt nhẹ.
Khi căng sữa, nếu không biết cách nặn bỏ sữa thì mức độ căng sẽ tăng lên, dẫn đến mất sữa do các mô tạo sữa không còn hoạt động. Ngoài ra, người mẹ có thể bị tắc các ống sữa và viêm nhiễm tuyến vú. Lúc này, không nên dùng thuốc làm ngưng tiết sữa. Các thuốc này có thể gây nhiều tác dụng phụ nặng nề và làm căng sữa tái phát khi ngưng thuốc.
Do vậy, để phòng ngừa hiện tượng căng sữa, người mẹ cần:
- Cho bú thường xuyên. Cố gắng cho trẻ bú 10-12 lần một ngày, trong đêm không nên để quá 3 giờ.
- Cố gắng cho trẻ bú ít nhất 15 phút ở một bên vú trước khi chuyển sang vú kia. Không nên giới hạn thời gian trẻ bú.
- Thay đổi tư thế trẻ bú để làm tăng tiết sữa.
- Người mẹ nên nằm ngửa giữa mỗi lần cho bú.
- Đắp lạnh bầu vú và dưới cánh tay sau mỗi lần cho bú để làm giảm sưng tuyến sữa. Có thể đắp lạnh bằng túi nước đá hay túi rau lạnh tự làm (để túi rau vào tủ lạnh khoảng 20 phút trước đó). Nên để một lớp khăn mỏng trên tuyến vú khi đắp lạnh.
- Đắp ấm bầu vú ngay trước khi cho bú có thể giúp tăng tiết sữa. Người mẹ có thể tắm nước nóng, xông hơi ấm vùng ngực hay đắp gạc ấm trên tuyến vú trước khi cho bé bú. Xoa bóp tuyến vú nhẹ nhàng cũng rất hữu hiệu.
Nếu bị căng tức sữa thì trước khi cho con bú, người mẹ xoa nhẹ tuyến sữa bằng tay hoặc dùng bơm hút để làm mềm. Nếu sử dụng bơm điện, cần bắt đầu từ áp lực thấp nhất và tăng dần cho đến khi bắt đầu thấy sữa chảy ra, tiếp tục tăng đến khi người mẹ cảm thấy thoải mái và còn chịu đựng được, không cần tăng đến áp lực tối đa. Nếu bầu vú và đầu núm vú quá đau, bạn nên xoa ít dầu lên núm vú trước khi hút.
Sau khi cho con bú, nếu tuyến sữa vẫn căng và đau thì cần hút sữa khoảng 5 - 10 phút để nhanh chóng lấy hết sữa cặn. Việc này sẽ giúp bầu sữa mềm hơn và trẻ dễ bú hơn.
Theo BS Thanh Thủy
Sức khỏe & Đời sống