Bí quyết tăng cường miễn dịch của chuyên gia
(Dân trí) - Hãy cùng xem các chuyên gia tăng cường miễn dịch khuyên và áp dụng những cách nào để tăng cường hệ thống phòng vệ của bản thân.
Các nhà khoa học đã khám phá ra chức năng hàng rào của cơ thể hoạt động như thế nào. Hệ thống miễn dịch có ba loại phòng vệ cơ bản: Đầu tiên là nhóm bạch cầu trung tính và đại thực bào. Hoạt động cơ bản của chúng là nuốt và giết chết vi khuẩn. Rồi đến tế bào T, tiêu diệt bất cứ tế bào nhiễm vi-rút hay trở thành ung thư. Nhóm cuối cùng là tế bào B, giúp sản xuất kháng thể để ngăn vi-rút đi vào trong các tế bào.
Tuy nhiên, 65% hệ miễn dịch đã “hoàn thành nhiệm vụ”, không còn tiếp tục phát triển, “sáng tạo” thêm nữa. Vậy là các tế bào T sẽ ít dần đi, các kháng thể sản xuất ra sẽ không còn mạnh và các tế bào như bạch cầu trung tính ít có khả năng ăn và tiêu diệt vi khuẩn hơn. Điều này có thể thấy rất rõ ở những người lớn tuổi.
Nếu tiêm chủng cúm khi trẻ, thì 4/5 người sẽ sản xuất đủ kháng thể để bảo vệ sự viêm nhiễm. Tuy nhiên, chỉ chưa tới một nửa số người trên 65 tuổi sản xuất đủ các kháng thể để chống lại cúm. Đó là bởi vì các tế bào B của họ không còn làm việc nữa. Ngoài ra, tế bào tiêu diệt vi khuẩn không còn hoạt động hiệu quả trong việc phát hiện viêm nhiễm.
Thậm chí ngay cả khi các “chiến binh bảo vệ” tìm thấy vi khuẩn thì chúng cũng chỉ có thể tiêu hóa 1 nửa số vi khuẩn so với người trẻ tuổi.
“Kết quả là người lớn tuổi dễ bị nhiễm trùng cả ở nhà và đặc biệt là trong bệnh viện”, GS Janet Lord, Giám đốc TT Nghiên cứu Sức khỏe, ĐH Birmingham, cho biết.
Vậy các chuyên gia làm gì để tăng cường hệ miễn dịch?
GS Ron Eccles, Giám đốc TT các bệnh do lạnh, ĐH Cardiff, cho biết: “Tôi luôn luôn quấn một chiếc khăn quanh mũi của tôi ngay khi cảm thấy nó bị lạnh đi. Mũi là một trong những cửa ngõ đầu tiên của hệ thống miễn dịch và nếu mũi bị lạnh thì hoạt động của các lông mao (có nhiệm vụ “đuổi” vi rút, vi khuẩn) sẽ bị chậm lại, tạo cơ hội cho vi trùng xâm nhập vào cơ thể.
TS Mike Smith, bác sĩ và chuyên gia về cảm cúm, cảm lạnh, cho biết: “Bất cứ khi nào bị đau họng, tôi luôn luôn tránh xa những người khác. Bởi trong thời gian đó, cơ thể đang phải chiến đấu chống lại sự viêm nhiễm. “Tránh xa mọi người là cách chăm sóc bản thân, hạn chế bội nhiễm lần 2 khiến hệ miễn dịch suy yếu thêm”.
GS Janet Lord, Giám đốc TT Nghiên cứu Lão hóa, ĐH Birmingham, nói: “Tôi chạy trong 30 phút mỗi buổi sáng trước khi làm việc. Điều này không chỉ hỗ trợ cho sức khỏe chung mà còn giúp bổ sung vitamin D cho cơ thể”.
John Curnow, giảng viên cao cấp về Miễn dịch học tại ĐH Birmingham chia sẻ: “Tôi luôn đảm bảo một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và kiểm soát căng thẳng hiệu quả. Biết khi nào cảm thấy căng thẳng và tìm cách thư giãn ngay. Một cuốc đi bộ cũng rất hiệu quả”.
Nhân Hà
Theo DM