Cách nào giúp cơ thể “đánh bại” các siêu vi?

(Dân trí) - Ai cũng biết giảm cân sẽ có lợi cho hệ miễn dịch nhưng giảm cân không đúng cách thì chỉ làm hệ miễn dịch suy yếu thêm.

 

Cách nào giúp cơ thể “đánh bại” các siêu vi? - 1

Tế bào miễn dịch không tự động sinh sản thêm mà cần sự nỗ lực của các vận động có ích

Giảm cân đúng cách

 

Chúng ta đều biết rằng béo phì là một nguy cơ bệnh tim và bệnh tiểu đường và cũng làm suy yếu hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể. GS Lord giải thích: “Chất béo tiết ra kích thích tố ức chế hệ miễn dịch. Việc giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể sẽ tác động tích cực đến đáp ứng miễn dịch”.

 

Nhưng chỉ giảm cân thì không phải là câu trả lời đầy đủ. Một nghiên cứu gần đây của Mỹ cho thấy loài gặm nhấm với chế độ ăn kiểm soát calo có nhiều khả năng bị bệnh hơn so với những đối tượng được nhận đủ thức ăn.

 

“Cắt giảm nhóm thực phẩm tinh bột hoặc chất béo hoàn toàn khỏi chế độ dinh dưỡng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch”, chuyên gia dinh dưỡng TS Sarah Schenker, Quỹ Dinh dưỡng Anh, cảnh báo. “Đó không phải là những thực phẩm xấu bởi những thực phẩm này giúp hỗ trợ sự hấp thu của nhiều vitamin thiết yếu đối với cơ thể”.

 

Không thể thiếu ngủ nghỉ

 

Chỉ cần ngủ không ngon 1 đêm là có thể khiến hiệu quả hoạt động của hệ miễn dịch giảm tới một nửa, các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết.

 

Mức độ bảo vệ các tế bào T sẽ giảm trong khi các tế bào viêm tăng lên nếu chúng ta mất ngủ, dẫn đến nguy cơ mắc cảm cúm hay cảm lạnh.

 

Thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến ý thức chống lại bệnh tật.

 

John Park, chuyên gia về thuốc ngủ của bệnh viện Mayo (Mỹ) cho biết: “Đáp ứng miễn dịch sẽ bị ảnh hưởng khi chúng ta bị mất ngủ và cơ thể ít sản xuất kháng thể hơn. Điều này có nghĩa, nếu được tiêm vắc-xin, cơ thể sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để đáp ứng với chủng ngừa. Vì vậy, nếu tiếp xúc với vi rút cúm khi cơ thể thiếu ngủ, chúng ta sẽ dễ bị bệnh hơn và hiệu quả của vắc-xin sẽ tăng lên nếu cơ thể ngủ đủ”.

 

Không cần tập chuyên nghiệp, chỉ cần đi bộ

 

Tập luyện vừa phải (đi bộ) sẽ giúp phản ứng của cơ thể với vắc-xin cúm tăng lên trong khi nó cũng giúp cơ thể thanh lọc các nguy cơ gây cảm lạnh.

 

Hoạt động thể chất thực sự tạo ra sự khác biệt và thú vị là nó không liên quan gì với lượng mồ hôi đổ ra trong quá trình tập luyện.

 

Những người tập thể dục ít nhất 5 ngày/tuần sẽ giảm nguy cơ bị cảm lạnh từ 43-46%, theo một nghiên cứu công bố tháng này trên tạp chí Y học thể thao Anh.

 

Và một nửa giờ tập thể dục aerobic vừa phải - đi bộ hay bơi lội nhanh - một ngày tăng gấp đôi phản ứng của cơ thể với thuốc chủng cúm, một nghiên cứu gần đây của Mỹ cho thấy.

 

Và theo GS Lord, không cần thiết phải đi đến phòng tập thể dục bởi đi bộ trong nhịp thở kiểm soát sẽ giúp hệ miễn dịch, hệ thống tim mạch được vận động thực sự.

 

Tránh stress

 

Stress có tác động “lớn” đến hệ miễn dịch. Hiệu quả của hệ miễn dịch liên quan với mức độ cortisol. Sự căng thẳng sẽ khiến mức độ hooc-môn tăng lên đến mức gây hại cho cơ thể.

 

Căng thẳng được chứng minh là gây ảnh hưởng đến khả năng diệt vi khuẩn của bạch cầu trung tính. Khi các nhà nghiên cứu so sánh stress từ 3 nguyên nhân thường gặp: gãy xương hông, mất người thân và chăm sóc ai đó, họ nhận thấy sự ra đi mãi mãi của một người thân yêu, dù là do tuổi già, đều gây ảnh hưởng tới quá trình hoạt động của bạch cầu trung tính đối với các vật thể lạ xâm nhập cơ thể.

 

“Đó là lý do tại sao rất nhiều người già chết không lâu sau khi vợ/chồng của họ qua đời. Chúng ta thường nói cái chết khiến trái tim người sống tan vỡ, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cái chết sẽ khiến hệ miễn dịch của người sống bị phá vỡ”, GS Lord nói.

 

Bổ sung vi khuẩn “tốt” sau khi uống kháng sinh

 

Mấu chốt của vấn đề là dinh dưỡng, đặc biệt là probiotic, đây là chuối vi khuẩn đường ruột “tốt” đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch.

 

“Nhiều loại rau quả chúng ta ăn có chứa các vi sinh vật mà giúp tăng cường hệ thống phòng thủ của cơ thể. Trong thực tế, chúng ta cõng trên lưng hệ thống phòng thủ và chúng phát triển để bảo vệ chúng ta.

 

Probiotic có thể nhân rộng và tăng cường cơ chế này, kích thích hệ miễn dịch, ngừa vi khuẩn xâm nhập từ chính sự tự thành lập của mình.

 

Các lợi ích thực sự từ probiotic rõ nhất là sau khi dùng thuốc kháng sinh, khi những vi khuẩn thân thiện đã bị loại bỏ khỏi đường ruột”, GS Ron Cutler, chuyên gia vi-rút tại Queen Mary, ĐH London, nói.

 

Một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh có ý nghĩa rất lớn nhưng có một số thực phẩm tích cực củng cố hệ miễn dịch. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết có 1 số bằng chứng cho thấy selen (có trong các loại hạt), sắt (có trong thịt đỏ và đậu hà lan), kẽm (có trong ngêu sò, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa, vitamin A (có trong cà rốt, bí, cam hoặc ớt vàng), vitamin C (trái cây họ cam quýt) và vitamin E (các loại hạt và dầu thực vật) đều giúp tăng cường hàng rào bảo vệ cơ thể.

 

Ra ngoài trời

 

“Vitamin ánh nắng”,  vitamin D là trọng tâm mới nhất của các nhà nghiên cứu miễn dịch.  Bởi trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng vitamin D ảnh hưởng tới các đại thực bào, các tế bào miễn dịch có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây các bệnh như bệnh la.

 

Mặc dù vitamin D có trong các thực phẩm như dầu cá và trứng, vitamin D chủ yếu được tạo ra trong quá trình da tiếp xúc với ánh nắng. Vì thế, chỉ cần tiếp xúc với nắng 20 phút mỗi ngày là đủ cung cấp nhu cầu vitamin D cho cơ thể.

 

Nhân Hà

Theo DM