Bí quyết để ung thư không phải là dấu chấm hết

Mắc ung thư cũng không sao, chỉ cần người bệnh tuân thủ điều trị của các y bác sĩ và luôn có niềm tin, nghị lực trong cuộc sống. Bài viết dưới đây giúp bạn hiểu rõ hơn điều này.

Câu chuyện về bệnh nhân P.T.H (43 tuổi) quê ở Thanh Hóa đã trở thành một câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều bệnh nhân đang và đã điều trị tại khoa Ung Bướu - Bệnh viện thành phố Thủ Đức về nghị lực vượt qua bệnh tật và vẫn trọn vẹn niềm vui làm mẹ sau khi điều trị.

Theo lời tâm sự của các y bác sĩ, chẳng ai sinh ra đã hạnh phúc sẵn, bệnh nhân của chúng tôi cũng vậy. Tuy nhiên, mỗi nhân viên y tế chúng tôi vẫn đang cố gắng hỗ trợ, đồng hành cùng bệnh nhân điều đó thật sự tạo cảm hứng cho tất cả.

Chị H chia sẻ năm 2008, chị phát hiện có 1 cục u nhỏ ở cổ, lúc phát hiện không nghĩ nguy hiểm thế. Chị đến bệnh viện và được bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - khoa Ung Bướu thăm khám và xét nghiệm khối u, không may kết quả là u ác tính.

Khi làm thêm các xét nghiệm khác để chuẩn bị mổ, các bác sĩ còn phát hiện thêm khối u đã lan sang phổi. Không nản lòng và được sự động viên của bác sĩ, chị đã trải qua cuộc mổ lớn, nặng nề và các lần uống phóng xạ tiếp theo.

Có những lúc mệt mỏi tưởng chừng như không vượt qua được nhưng rồi mọi chuyện cũng ổn lại và sức khỏe dần bình phục. Chị H nói. 

Năm 2014, sau khi kết thúc điều trị chỉ cần uống thuốc duy trì chị nuôi hi vọng sẽ có một đứa con. Chị tâm sự "Mình lớn tuổi rồi mà chưa có con cái nên rất thương ông xã, quyết định li dị cho ổng đi lấy vợ khác mà ổng không chịu".

Thế rồi niềm vui cũng đến với chị, chị kể, "mình cũng có tin vui nhưng rồi chẳng may con bị lưu mình có cảm giác đau khổ và tuyệt vọng vô cùng".

Bí quyết để ung thư không phải là dấu chấm hết - 1

Nhưng không điều gì là không thể xảy ra, chị H luôn quyết tâm điều trị, tuân thủ phác đồ bác sĩ đưa ra và giữ tinh thần thoải mái tiếp tục theo dõi bệnh. Phép màu đã đến khi anh chị H đã vui mừng chào đón đứa con khỏe mạnh, đáng yêu.

Theo các bác sĩ, ung thư là chuyện không ai muốn nhưng vẫn đến. Một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư tuyến giáp đáp ứng với điều trị rất tốt cho dù bệnh đã ở giai đoạn trễ, chỉ cần bệnh nhân có niềm tin là có kết quả khả quan.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, bệnh viện thành phố Thủ Đức cho biết: "Với trách nhiệm của người Thầy thuốc, tôi và nhiều đồng nghiệp tại khoa của mình luôn tâm niệm sức khỏe và tâm lý vững tin của người bệnh có tầm quan trọng như nhau. Mỗi người bệnh có thể sẽ điều trị 1 năm, 2 năm thậm chí lâu hơn, họ ở bệnh viện, gặp bác sĩ nhiều hơn là ở nhà cùng người thân, vì vậy tôi và các đồng nghiệp luôn coi họ như người thân trong nhà, cùng lắng nghe, cùng chia sẻ, động viên để họ luôn có tâm lý sẵn sàng, quyết tâm, như vậy là được phân nửa hành trình chiến thắng bệnh tật rồi". 

Làm sao để vượt qua được bệnh ung thư đã di căn?

Trước đây, đa phần người bệnh không sống được lâu dài khi bị ung thư di căn. Ngày nay, với trình độ khoa học được nâng lên, các phương pháp điều trị tốt hơn cũng khó có thể chữa khỏi hoàn toàn các bệnh nhân ung thư di căn. Dù vậy, các bác sĩ vẫn điều trị cho bạn với mong muốn chất lượng cuộc sống của bạn tốt hơn, được kéo dài thêm nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm nữa.

Đối với nhiều bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư, mục tiêu điều trị là cố gắng điều trị triệt căn. Điều này có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư và không cho chúng tái phát trở lại. Tuy nhiên, khi bệnh đã ở giai đoạn di căn xa thì mục tiêu triệt căn có thể không khả thi nữa và bạn cần trao đổi với bác sĩ của mình về tiến trình điều trị tiếp theo. Vậy nếu mục tiêu không thể triệt căn được nữa thì sao? Lúc này, mục tiêu điều trị là làm thế nào để bạn sống cuộc sống với chất lượng tốt nhất và kéo dài càng lâu càng tốt. Cụ thể hơn, mục tiêu có thể được chia thành bốn phần:

- Có ít triệu chứng nhất gây ra từ bệnh ung thư

.- Có ít tác dụng phụ nhất từ việc điều trị ung thư.

- Làm cho bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt nhất.

- Giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống thêm lâu nhất có thể. 

Mỗi bệnh nhân khác nhau có thể có mong muốn điều trị khác nhau. Quyết định điều trị nằm ở chính bạn, do đó hãy trao đổi và chia sẻ với bác sĩ của bạn những gì mà bạn cho là quan trọng và đưa ra mục tiêu của mình.

Khi ung thư đã di căn xa, bạn cần hiểu rằng tình trạng của bạn giống như 1 bệnh mạn tính, ví dụ như: tiểu đường, suy tim sung huyết, bệnh đa xơ cứng... Các bác sĩ có thể điều trị các triệu chứng nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn được.

Các bác sĩ có thể giúp bạn giải quyết các triệu chứng ung thư và các tác dụng phụ của điều trị. Khi bạn đau, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau cho bạn, xạ trị giảm đau hay thậm chí là phẫu thuật cắt bỏ khối u gây đau... Bạn cũng có thể được điều trị các tình trạng khác như buồn nôn, nôn, khó thở, nâng đỡ thể trạng...

Vượt qua căng thẳng Khi đón nhận thông tin ung thư đã di căn, tâm trạng và thói quen sinh hoạt của bạn cũng thay đổi. Do đó, để đương đầu với nó bạn cần:  Tìm hiểu thêm về bệnh ung thư di căn: bạn có thể tìm những thông tin cơ bản, hữu ích về chăm sóc, điều trị, chế độ dinh dưỡng... Nói chuyện, chia sẻ tình trạng bệnh của bạn với một chuyên gia tâm lý, một nhân viên hoạt động xã hội về ung thư hay đơn giản chia sẻ với chính nhân viên y tế đang chăm sóc, điều trị cho bạn.  Giải quyết căng thẳng: có nhiều cách để giúp giảm bớt căng thẳng như: tập thiền, tập yoga, thể thao...

Chia sẻ về những lo lắng và các mối quan tâm của bạn là rất quan trọng, ngay cả khi việc điều trị đang tiến triển tốt đẹp. Mọi người đều có thể sống lâu dài nhiều năm với bệnh ung thư di căn. Bác sĩ của bạn sẽ giúp bạn có chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể trong suốt thời gian này.