1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bị đóng đinh vào đầu- trải nghiệm tiêu cực ảnh hưởng nặng nề đến trẻ

Hà An

(Dân trí) - Liên quan đến bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội bị đóng đinh vào đầu, các chuyên gia cho rằng nếu may mắn được cứu sống thì trẻ cũng có thể bị những di chứng nặng nề về thực thể và tâm lý.

Hiện bé gái 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu vẫn đang được điều trị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Xanh Pôn. Theo các bác sĩ, tình trạng của trẻ hiện vẫn rất nặng, đang phải thở máy, chưa thể phẫu thuật để lấy dị vật trong đầu. 

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng nếu may mắn được cứu sống thì trẻ cũng có thể bị những di chứng về thực thể như động kinh, có thể đi loạng choạng, phát triển chậm. Tuy nhiên, những di chứng về tinh thần sẽ rất nặng nề và khó chữa. 

"Điều nguy hiểm là bé không tin vào cuộc sống này, không tin vào những người thân vì với suy nghĩ người thân còn đối xử với mình như thế thì ra xã hội sẽ như thế nào? Muốn thay đổi được thì trẻ phải gặp được những người cực kỳ tốt để có trải nghiệm rằng vẫn còn những người tốt, yêu thương bé", TS Dũng chia sẻ. 

Bị đóng đinh vào đầu- trải nghiệm tiêu cực ảnh hưởng nặng nề đến trẻ - 1

Hình ảnh dị vật trong đầu bé 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội (Ảnh: BVCC).

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng-SCDI cho rằng, Việt Nam hiện chưa có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của bạo hành ở trẻ em song trên thế giới đây là lĩnh vực được nghiên cứu nhiều, được gọi là những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu. Những trải nghiệm tiêu cực khi còn bé có thể ảnh hưởng đến suốt cuộc đời, ảnh hưởng đến sức khỏe, hành vi, tâm lý. 

Có 10 trải nghiệm tiêu cực ảnh hưởng quan trọng nhất đến đời sống của con người. Một trong số đó là trải nghiệm bị bạo hành, có thể là bạo hành về thể chất, tinh thần hoặc lạm dụng tình dục. Đây là những trải nghiệm tiêu cực ảnh hưởng nặng nề đến trẻ. 

"Bạo hành ở đây có thể là bạo hành trong gia đình, chẳng hạn như việc người mẹ bị bạo hành cũng ảnh hưởng nhiều đến trẻ. Trẻ bị bạo hành, có trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu càng nhiều thì khi lớn lên trẻ càng có những ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống", Bs Hải Oanh chia sẻ. 

Theo bà, việc bạo hành trẻ để lại rất nhiều hậu quả cả về thể chất, tinh thần và hành vi. Đứa trẻ đó khi trưởng thành sẽ dễ trở thành đối tượng bạo hành người khác hoặc có những hành vi tiêu cực như sử dụng ma túy, chất gây nghiện; quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, có thai ngoài ý muốn, có thai sớm, làm cha mẹ sớm; nguy cơ vi phạm pháp luật cao hơn rất nhiều...

Trẻ cũng có thể có những mặc cảm về bản thân, ảnh hưởng sức khỏe tinh thần, dẫn đến hành vi tự sát. Thậm chí về lâu dài cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, mắc các bệnh mãn tính, thậm chí mắc các bệnh tim mạch, ung thư… 

"Trẻ khi bé bị bạo hành thì khi lớn có nguy cơ cao hơn tiếp tục trở thành nạn nhân bị bạo hành hoặc trở thành đối tượng bạo hành người khác", Bs Hải Oanh phân tích. 

Theo chuyên gia, không chỉ ảnh hưởng đến sự an lành của đứa trẻ mà bạo hành còn ảnh hưởng đến tương lai của trẻ khi trưởng thành, ảnh hưởng đến người xung quanh. Rất nhiều người lớn hiện nay có hành vi bạo hành với trẻ đã từng là nạn nhân của bạo hành khi còn nhỏ. Vì thế, việc chống bạo hành trẻ em là một lĩnh vực thế giới rất quan tâm.

Nguyên nhân của bạo hành trong gia đình nhiều khi là do vấn đề văn hóa hoặc bất lực không biết giải quyết như thế nào. Khi lớn lên trong một gia đình mà bạo hành là điều chấp nhận được, bố mẹ có quyền đánh con, chồng có quyền đánh vợ thì đứa trẻ khi trưởng thành cũng sẽ coi bạo hành là bình thường. 

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng làm bạo hành gia tăng lên. Lý do vì trẻ không được ra ngoài đường, căng thẳng trong gia đình, khó khăn về kinh tế, cộng với văn hóa coi người lớn được quyền đánh trẻ con, chồng được quyền đánh vợ...

Để giải quyết được tình trạng này, Bs Hải Oanh cho rằng không chỉ đơn giản là đi tìm các đối tượng bạo hành để xử lý nghiêm mà cần phải tạo thành một chuẩn mực trong xã hội: không được đánh, không được mắng trẻ con. 

"Nếu tất cả coi việc sử dụng bạo lực là không chấp nhận được, không được thực hiện ở đâu cả thì sẽ tạo chuẩn mực mới, văn hóa mới. Vấn đề gốc rễ ở đây là xây dựng nền văn hóa mà bạo hành không được chấp nhận dưới bất kỳ hình thức nào cả trong gia đình và ngoài xã hội", chuyên gia nhấn mạnh. 

Cũng theo một bác sĩ chuyên ngành tâm thần tại Hà Nội, việc bị bạo hành khi còn nhỏ chủ yếu gây ra những thay đổi tiêu cực về sau này khi trẻ lớn. Những hồi ức về quá khứ có thể ảnh hưởng đến hành vi mà phải mất nhiều năm sau mới hình thành. Một số có thể bị stress sau sang chấn- việc điều trị thường rất khó khăn, vừa dùng thuốc vừa trị liệu.