Bị đâm thấu tim trong đêm, người đàn ông may mắn thoát chết
(Dân trí) - Bất ngờ bị người lạ đâm một nhát chí mạng vào ngực trái, nạn nhân gục tại chỗ được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Ngay trong đêm, các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu khâu vết thương thấu tim.
Ngày 22/10, Tiến sĩ – Bác sĩ Trương Nguyễn Hoài Linh, Đơn vị Tim mạch, khoa Lồng ngực Mạch máu, Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị vết thương tim nguy kịch tính mạng.
Bệnh nhân là anh N.V.H. (38 tuổi) được chuyển đến khoa Cấp cứu lúc 1h sáng trong tình trạng lơ mơ, huyết áp bằng không. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện, bệnh nhân có vết thương ngay vùng tam giác tim, nghi bị đâm thủng tim. Trước khi vào viện, bệnh nhân bị người lạ tấn công bằng dao.
Ngay lập tức ê kíp trực cấp cứu bỏ qua các thủ tục hành chính, các công đoạn làm xét nghiệm chẩn đoán, làm thủ tục hồ sơ bệnh án và giải thích cho người nhà phải gác lại. Sau khi chuyển người bệnh lên phòng mổ, bác sĩ chỉ kịp làm xét nghiệm nhóm máu phải hỏa tốc bắt tay vào cuộc phẫu thuật do nghi ngờ tình trạng thủng tim đang đe dọa trực tiếp sinh mạng người bệnh.
Trên giường mổ, bệnh nhân bị tụt huyết áp, các bác sĩ vừa hồi sức tích cực vừa khẩn cấp mở lồng ngực. Trong quá trình thám sát, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị một lỗ thủng tim 2cm ở mặt trước tâm thất phải, máu chảy tự do ở xoang màng tim, khiến tim gần như ngừng đập. Ê kíp phẫu thuật đã khẩn trương xử lý vết thủng tim và truyền máu thông qua 5 đường truyền để bổ sung lượng máu đã mất cho cơ thể.
Sau hơn 3 giờ khẩn trương trong phòng mổ, các bác sĩ đã khâu vết thương, cầm máu thành công cho bệnh nhân. Bệnh nhân đã được chuyển xuống khoa Hồi sức để tiếp tục theo dõi hậu phẫu trong tình trạng sức khỏe ổn định, cai được máy thở, hoàn toàn tỉnh táo, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Theo bác sĩ Trương Nguyễn Hoài Linh, đây là trường hợp đặc biệt nguy cấp, chỉ cần chậm vài phút, người bệnh có thể đã tử vong. Để kịp thời cứu bệnh nhân ê kíp bác sĩ đã đồng thuận bỏ qua các thủ tục, tiến hành phẫu thuật khẩn cấp.
Cũng theo bác sĩ Hoài Linh, với vị trí vết đâm trên cơ thể người bệnh và tình trạng lâm sàng khi vào viện, thì 99% tim bệnh nhân đã bị thủng. Vết thương tim là một cấp cứu nghiêm trọng, nếu không chẩn đoán và xử trí kịp thời thì rất dễ tử vong. Nhận định sớm, đưa ra chẩn đoán, xử lý kịp thời của người làm công tác chuyên môn trong những ca bệnh tương tự là yếu tố then chốt giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Có nhiều nguyên gây nên vết thương tim như vật nhọn đâm thủng, vết thương do hoả khí và chấn thương kín. Vết thương do vật nhọn đâm thủng là loại vết thương hay gặp nhất: dao, lưỡi lê, kéo hoặc cọc nhọn. Những thương tổn gây nên thường nhỏ gọn, khu trú, đôi khi là những vết thương xuyên qua tim (có lỗ vào lỗ ra), làm thương tổn cả các tổ chức bên trong quả tim như dây chằng van, lá van, vách liên nhĩ hay liên thất.
Ngoài sự khẩn trương trong việc nhận định, chỉ định can thiệp, bác sĩ Hoài Linh cho rằng, sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của các phẫu thuật viên trong quá trình mổ và đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức hậu phẫu trong việc theo dõi sát sinh hiệu bệnh nhân, cung cấp đủ lượng máu đã mất do tổn thương và phẫu thuật là rất quan trọng cho sự sống của người bệnh. Nếu bác sĩ gây mê chậm trễ hồi sức hoặc không bù lại lượng máu đã mất trước đó thì ca phẫu thuật khó lòng thành công. Vì vậy những trường hợp bị vết thương tim cần nhanh chóng chuyển đến các bệnh viện có đủ trình độ chuyên môn, trang thiết bị để tận dụng thời gian vàng cứu người bệnh.