"Sống mòn" vì thiếu thuốc:

Bệnh viện thiếu thuốc, người bệnh đang bị "móc túi" như thế nào?

Hồng Hải Nam Phương

(Dân trí) - Một trong số những thiệt thòi rất lớn của người bệnh, họ phải bỏ tiền túi để mua các loại thuốc mà lẽ ra được bảo hiểm y tế chi trả.

Bệnh viện thiếu thuốc, người bệnh đang bị móc túi như thế nào? - 1

Bệnh nhân chụp chiếu hình ảnh tại một cơ sở y tế. Hình minh họa.

Sấp ngửa khắp nơi tìm thuốc, có tiền cũng không mua được

Người bệnh phải bỏ tiền túi để mua thuốc rõ ràng là thiệt thòi nhưng vẫn... may mắn, bởi có những bệnh nhân, tìm thuốc mỏi mòn nhưng không có.

Như trường hợp chị B.T.M. 50 tuổi ở Nam Định, khi đi khám ở một bệnh viện tuyến Trung ương được chẩn đoán u gan, viêm gan nhưng không có thuốc điều trị nên chuyển lên một bệnh viện khác.

Tại đây, dù bác sĩ kê đơn điều trị viêm mạn tính, nhưng khổ nỗi, thuốc bác sĩ kê đi nhà thuốc bệnh viện cũng hết. "Con tôi chở đi khắp các nhà thuốc lớn nhỏ dọc đường Giải Phóng, Ngọc Khánh đều lắc đầu, trả lời hiện đang hết thuốc", chị M. chia sẻ.

Suốt 2 tuần nay, chị vẫn trên hành trình đi tìm thuốc. Đang ở Nam Định, chị phải chuyển lên ở cùng con gái ở Hà Nội để tiện đi tìm thuốc bởi thương con gái mang bầu sắp đến tháng đẻ cũng vất vả ngược xuôi tìm thuốc cho mẹ.

Mang trong mình khối u mà không tìm được thuốc điều trị, chị M. lo lắng mất ăn mất ngủ. Cả gia đình như ngồi trên đống lửa vì lo.

Với các gia đình có con bị hen trong đợt vừa qua, bố mẹ cũng đứng ngồi không yên vì thuốc dự phòng hen flixotide không biết mua ở đâu.

Bệnh viện thiếu thuốc, người bệnh đang bị móc túi như thế nào? - 2

Thuốc dự phòng hen trở thành "của quý" được gia đình bệnh nhân giữ gìn cẩn trọng.

Nhiều bé không tìm được thuốc dự phòng, phải chuyển sang khí dung, mất thời gian hơn, lích kích hơn, chi phí tốn kém hơn và không phải bé nào cũng hợp.

"Thời tiết năm nay quá đặc biệt, mùa hè mà độ ẩm cao, trẻ bị hen khốn khổ, nguy cơ lên cơn hen bất cứ lúc nào. Con tôi còn một hộp dự phòng hạn dùng cuối tháng 10, bình thường đi học, con đều có thuốc dự phòng trong balo, mà chỉ sợ sơ sẩy rơi mất, nên nay cũng phải để dành ở nhà. Khổ nhất là bé hàng xóm, gần tháng nay không mua được thuốc, chuyển qua khí dung. Tuần vừa rồi đang đêm bé lên cơn hen, đập cửa hàng xóm ầm ầm, may mà còn giúp nhau được trong lúc này", chị H. (Phan Đình Giót, Hà Nội) chia sẻ.

Nêu ví dụ về một bệnh nhân 86 tuổi bị tiểu đường biến chứng, kèm chấn thương phần mềm do tai nạn, bác sĩ Trần Văn Phúc (BV Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết nhờ có "đơn thuốc ngoài", chỉ một tuần sau, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được ra viện.

"Bệnh nhân đã phải chuyển 3 bệnh viện điều trị nhiều tháng trời vì thiếu thuốc. Lần này, bệnh nhân trình bày nguyện vọng ở lại và ký cam kết đồng ý mua thuốc bên ngoài. Thật may mắn, vì thêm vài triệu tiền thuốc mỗi ngày với gia đình này không phải vấn đề lớn", BS Phúc nói.

Theo ông, suốt một năm qua có rất nhiều bệnh nhân phải chuyển viện để nhường chỗ, phải sang viện khác làm các xét nghiệm do thiếu hóa chất, phải ra ngoài chụp chiếu vì máy hỏng hoặc thiếu vật tư.

Một bác sĩ chuyên về truyền nhiễm chia sẻ: "Thực ra, bệnh nhân vào viện điều trị vẫn có thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ định dùng thuốc kháng sinh thì chỉ có tetracyclin". Tetracyclin là một loại kháng sinh thế hệ cũ được tìm ra từ những năm 1948.

Người bệnh bị "móc túi", nhân viên y tế "đau đầu"

TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E thẳng thắn chia sẻ: "BV có tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư. Có tình trạng người bệnh phải mua loại thuốc vốn được hưởng bảo hiểm".

TS Hựu chia sẻ, cách đây mấy hôm, ông nhận được thông tin bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện E, trong đơn thuốc điều trị bệnh tiểu đường có 3 loại, thì 2 loại bệnh nhân phải đi mua ngoài, dù trước đó khi đến đây khám, bệnh nhân được hưởng thuốc từ bảo hiểm y tế.

Bệnh viện thiếu thuốc, người bệnh đang bị móc túi như thế nào? - 3

TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E (Ảnh: H.Hải).

Theo TS Hựu, đó là một thực trạng có xảy ra tại bệnh viện và nhiều bệnh viện khác, bởi tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao.

Giám đốc bệnh viện này cũng thẳng thắn nhìn nhận, người bệnh đang phải chịu thiệt thòi rất lớn vì họ tham gia bảo hiểm y tế, họ có quyền lợi được hưởng khi đi khám chữa bệnh, nhưng lại đang phải bỏ tiền túi để mua các loại thuốc này, vì bệnh viện thiếu thuốc.

"Chúng tôi kiểm tra, một đơn thuốc cho bệnh nhân tiểu đường như thế này, mỗi tháng mất 450 nghìn đồng. Trong một đợt đi khám lĩnh thuốc 3 tháng, chi phí thuốc hơn một triệu. Tôi giả sử, nếu các bệnh viện đều đang thiếu thuốc như vậy, con số hàng nghìn bệnh nhân với số tiền nhân lên, sẽ là một con số rất lớn, hàng nghìn bệnh nhân đang chịu thiệt", TS Hựu nói.

Cũng theo vị lãnh đạo này, khi thiếu thuốc, thiếu vật tư, không chỉ người bệnh bị ảnh hưởng quyền lợi, mà nhân viên y tế cũng "đau đầu", stress.

"Rõ ràng, quyền lợi người bệnh được hưởng, mà giờ họ phải bỏ tiền ra mua. Nhân viên y tế phải giải thích để người bệnh chia sẻ, bỏ tiền túi đi mua thuốc. Nhưng họ thường xuyên phải nghe lời phàn nàn, trách móc, thậm chí xung đột, bạo hành...", Giám đốc Bệnh viện E nói.

Hàng loạt bệnh viện thiếu thuốc

Theo TS Hựu, nhiều người cho rằng thời gian qua, ngành y có nhiều biến động, tình trạng các cơ quan kiểm tra, giám sát thanh tra nên các bệnh viện sợ không dám mua gây thiếu thuốc, thiếu vật tư. Tuy nhiên, đây không phải là lý do, bệnh viện vừa thực hiện xong gói thầu, cố gắng để khắc phục được tình trạng người bệnh phải bỏ tiền túi ra mua.

"Nhưng không dám khẳng định sẽ cung cấp đủ hết. Bởi khi thầu xong, có những mặt hàng trượt thầu. Có hãng thuốc chỉ một nhà cung cấp, vì lý do gì đó họ thông báo không sản xuất kịp, không phân phối kịp. Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo tối đa thuốc điều trị trong bối cảnh hiện tại. Bởi đó vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của chính bệnh viện, khi bệnh viện đã tự chủ, bệnh nhân là những khách hàng. Khách hàng không được chăm sóc tốt sẽ ảnh hưởng đến bệnh viện", TS Hựu thông tin.

"Bao năm nay, tình trạng thiếu thuốc và vật tư vẫn có, nhưng ít nghiêm trọng hơn. Trong đợt này, tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao xảy ra cho cả hệ thống, ở rất nhiều bệnh viện, gây bức xúc cho người bệnh, cho xã hội", ông Hựu nói.

Lãnh đạo một bệnh viện lớn tại Hà Nội thừa nhận đang có hiện tượng thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc biệt dược, thiếu vật tư, tiêu hao… xảy ra tại nhiều bệnh viện nhiều nơi.

"Tôi biết có bệnh viện, bệnh nhân đi mổ phải ra hiệu thuốc mua từ những sợi chỉ, băng gạc, dây truyền, dụng cụ mang lên. Tại bệnh viện của mình, chúng tôi vẫn cố gắng để đảm bảo có đủ thuốc, vật tư tiêu hao... Tuy nhiên, việc đấu thầu rất khó, lấy ví dụ với mặt hàng thuốc gây mê vô cùng khó mua vì đây là thuốc thuộc diện phải kiểm soát, không phải nhiều nơi dùng. Theo quy định giá rẻ thì mua nhưng người ta không chào giá rẻ", lãnh đạo này cho biết. 

Lãnh đạo Bệnh viện E cho biết, trước đây, khi thầu không đủ, bệnh viện sẵn sàng vay mượn chính đơn vị cung ứng thầu để kịp thời cung cấp cho người bệnh. Còn hiện tại, người ta phải nhìn ngó lại xem việc "vay mượn" đó có đúng quy định không, bởi nếu trường hợp phải làm lại hợp đồng mua bán, phải quay lại quy trình đấu thầu, rất dễ xảy ra tình huống đơn vị bệnh viện cần "trả nợ" hàng vay lại không trúng thầu.

Theo Luật sư Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, người chịu thiệt hại đầu tiên chính là người bệnh. Nếu không có thuốc thì không thể chữa bệnh được, không có vật tư tiêu hao thì không thể phẫu thuật, làm thủ thuật được. Các bệnh viện vẫn hoạt động nhưng khi không được bảo hiểm thanh toán thì chi phí người bệnh sẽ phải tự bỏ ra. Và như vậy quyền lợi bảo hiểm y tế không được đảm bảo.

"Tại bệnh viện tư nhân như chúng tôi không có chuyện thiếu thuốc, vật tư. Lợi thế là chúng tôi được quyền lựa chọn nhiều nhà thầu, gói thầu khác nhau. Tỉnh này không mua được thì sang tỉnh khác mua", ông Học nói. Theo ông, nguồn cung không thiếu, có chăng chỉ xảy ra tại một số thời điểm nhưng chỉ là ngắn hạn. Lý do chủ yếu có lẽ vì bệnh viện "sợ" đấu thầu. Các quy định của pháp luật về đấu thầu chưa cụ thể, nhiều vấn đề chồng chéo. Vì thế, giám đốc các bệnh viện không biết làm thế nào cho đúng, đấu giá thế nào cho phù hợp mà không sai luật.

Tình trạng thiếu thuốc, thiếu biệt dược, thiếu vật tư tiêu hao … hiện đang xảy ra tại nhiều bệnh viện trên cả nước. Thiếu thuốc cũng là một trong những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội trường Quốc hội. Một trong những nguyên nhân được một chuyên gia y tế chỉ ra, là do giám đốc các bệnh viện "không mặn mà", thậm chí ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế.