1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện Nhi Đồng 2: Ghép gan không thua kém nước ngoài

(Dân trí) - Được trang bị những phương tiện kỹ thuật hiện đại với đội ngũ bác sĩ vững tay nghề, bệnh viện Nhi Đồng 2 đã thực hiện thành công 7 ca ghép gan ở trẻ em. Trình độ ghép gan của bệnh viện không thua kém các nước song chi phí ghép chỉ bằng 1/6.

Nhớ lại khoảng thời gian khốn đốn của cả gia đình cách đây 9 năm, anh L.V.T. ngụ tại TPHCM chia sẻ: “Con gái tôi chào đời mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh. Sau khi mổ Kasai, tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm mà chuyển sang giai đoạn xơ gan, bé bị xuất huyết tiêu hóa, đi cầu ra máu, da trắng bạch… Gia đình hoàn toàn bế tắc, có lúc chúng tôi đã nhờ đến cả thầy bùa về làm phép”.

Trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, tin vui đến với gia đình anh T. khi bệnh viện Nhi Đồng 2 triển khai kỹ thuật ghép gan cho trẻ em. Năm 2005 ca phẫu thật cắt ghép cho bé được thực hiện thành công từ nguồn gan hiến tặng của người mẹ. Đến nay, bé L.N.X.Q. đã được 9 tuổi, cháu học rất giỏi và hoàn toàn khỏe mạnh.

Kỹ thuật ghép gan tại Nhi Đồng 2 không thua kém nước ngoài (ảnh: VD)
Kỹ thuật ghép gan tại Nhi Đồng 2 không thua kém nước ngoài (ảnh: VD)

Với sự hợp tác chuyển giao kỹ thuật của các giáo sư, chuyên gia ghép tạng đến từ Viện Trường đại học Saint-Luc thuộc vương quốc Bỉ, năm 2005 bệnh viện Nhi Đồng 2 đã thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép gan đầu tiên ở trẻ trên người sống cho gan. Sau trường hợp trên, đến nay bệnh viện đã tiến hành ghép gan cho 6 bệnh nhi khác, trong đó bệnh nhi nhỏ tuổi nhất chưa đầy 12 tháng.

Những trẻ em bị teo đường mật tiến triển xơ gan sau mổ Kasai; viêm xơ đường mật; bệnh gan ứ mật (bệnh Byler, hội chứng Alagille); bệnh chuyển hóa (thiếu alpha1-antitrypsin); suy gan tối cấp do nhiều nguyên nhân sẽ không thể tiếp tục sự sống khi ấy trẻ cần được ghép gan. Tại các tỉnh phía Nam nói riêng và trên cả nước nói chung, nhu cầu ghép gan của các bệnh nhi mắc những chứng bệnh nói trên là rất lớn.

BS Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc bệnh viện, chia sẻ: “Cách đây gần 10 năm, những trẻ bị bệnh gan giai đoạn cuối gần như không cách nào có thể cứu sống được, điều đó khiến chúng tôi rất đau đớn.” Trước thực tế trên, được sự đồng ý, hỗ trợ của UBND thành phố và ngành Y tế, bệnh viện Nhi Đồng 2 đã trở thành một trong những lá cờ tiên phong cho kỹ thuật ghép gan tại Việt Nam. Nhiều bác sĩ của bệnh viện được cử đi học tập tại các nước có kỹ thuật ghép gan phát triển. Nguồn kinh phí lớn đã đầu tư để trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ cho ghép gan.

Lần lượt 7 bệnh nhi được phẫu thuật cắt ghép thành công tại Nhi Đồng 2. Theo nhận định của GS Trần Đông A thì: “Nhi Đồng 2 đã trở thành cái nôi đầu tiên của kỹ thuật ghép gan trong nước. Đây là bước tiến đặc biệt quan trọng mang ý nghĩa nhân văn cao cả góp phần mang lại sự sống cho những trẻ mắc bệnh gan giai đoạn cuối và mang lại cho xã hội những công dân khỏe mạnh, có ích. Trình độ chuyên môn của các bác sĩ cùng với các phương tiện ghép gan tại bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện nay không thua kém các trung tâm ghép gan lớn trên thế giới”.

GS Trần Đông A và hai trong số những trẻ đã ghép gan
GS Trần Đông A và hai trong số những trẻ đã ghép gan

Hơn thế nữa, chi phí cho ca phẫu thuật ghép gan tại Nhi Đồng 2 nói riêng và trong nước nói chung còn rẻ hơn 6 lần so với chi phí của một ca ghép ở nước ngoài. BS Hà Mạnh Tuấn cho biết: “Một ca ghép gan cho trẻ tại Đài Loan và các trung tâm khác bệnh nhân phải chi trả khoảng 3 tỷ đồng. Trong khi đó, tại Nhi Đồng 2 chi phí cho một ca ghép gan ở trẻ hiện nay chỉ tốn khoảng 500 triệu đồng, Bảo hiểm y tế sẽ có trách nhiệm chi trả những khoản thuộc danh mục trẻ được hưởng bảo hiểm”.

Cũng theo BS Hà Mạnh Tuấn, đến nay Luật đã cho phép thực hiện ghép gan trên người cho chết não, khi kỹ thuật này hoàn thiện mức chi phí cho một ca ghép gan dự kiến sẽ còn thấp hơn so với chi phí cho ca ghép trên người cho gan sống. Trước những thành công nói trên, UBND thành phố đang lên kế hoạch từ nay đến 2025 sẽ phát triển bệnh viện Nhi Đồng 2 thành Trung tâm ghép tạng lớn nhất tại khu vực phía Nam.

Gan là cơ quan nội tạng duy nhất trong cơ thể con người có khả năng tái sinh. Sau khi cho đi một phần gan, trong vòng 2 đến 3 tháng gan sẽ phát triển trở lại và đạt khoảng 60-80% so với thể tích gan ban đầu. Tỉ lệ sống sau ghép gan rất khả quan. Trên thế giới khoảng 80% trẻ sau ghép sống trên 1 năm và 70 - 80% sống trên 5 năm và 10 năm.

Vân Sơn