Bệnh viện Mắt Trung ương mổ lại sau chuỗi ngày dài "ngủ đông"

Hồng Hải

(Dân trí) - Sau thời gian dài thiếu hụt vật tư, trang thiết bị, Bệnh viện Mắt Trung ương đã cung ứng đủ các mặt hàng cơ bản phục vụ cho khám, chữa bệnh, phẫu thuật...

Thực hiện gói thầu nhỏ, mổ lại đục thủy tinh thể

TS.BS Cung Hồng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, việc áp dụng các gói mua sắm dưới 50 triệu đồng đã giúp bệnh viện hoạt động tấp nập trở lại, sau nhiều ngày vắng vẻ vì thiếu hụt một số trang thiết bị, vật tư y tế.

"Các loại vật tư cơ bản như chỉ, kim cũng như các vật tư y tế thiết yếu khác phục vụ phẫu thuật cấp cứu... đã được bệnh viện thực hiện theo các gói mua sắm dưới 50 triệu đồng, để đáp ứng ngay nhu cầu khám chữa bệnh, duy trì hoạt động chuyên môn của bệnh viện, phục vụ người bệnh", PGS Sơn thông tin.

Bệnh viện Mắt Trung ương mổ lại sau chuỗi ngày dài ngủ đông - 1

Một ca phẫu thuật ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Ảnh: H.Hải).

Trước đó, tại Bệnh viện, có nhiều thời điểm bệnh nhân đến khám, bác sĩ chỉ có thể khám cơ bản. Còn khi cần lấy mẫu xét nghiệm, bệnh viện phải gọi đơn vị xét nghiệm bên ngoài để lấy mẫu xét nghiệm cho người bệnh, do trong bệnh viện hết các vật tư, hóa chất...

TS Đặng Trần Đạt, Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu cho biết, bệnh viện không chỉ thiếu hóa chất xét nghiệm, 1-2 tháng trước, các mặt hàng thiết yếu khác cũng bị thiếu hụt như găng tay, dụng cụ, vật tư y tế.

Theo TS Đạt, nguyên nhân lớn nhất gây thiếu, là do các nhà thầu tham gia hạn chế, do họ cũng bị đứt gãy nguồn cung. Ngoài ra, công tác đấu thầu cần theo quy định, trong khi đó, một số mặt hàng theo điều kiện đấu thầu khá đặc biệt cho riêng trong 2023, do đó vật tư về chậm.

"Hiện bệnh viện đã cơ bản nhập được các vật tư xét nghiệm, với giải pháp mua sắm các gói dưới 50 triệu đồng. Các đơn vị trúng thầu rồi nhưng cần chờ thời gian đặt hàng nhà sản xuất, do đó có độ trễ  4-6 tuần chứ không thể có đủ ngay số lượng đã trúng thầu. Do đó, chúng tôi hy vọng, sau Tết, các vật tư này sẽ có đầy đủ.

Riêng với thủy tinh thể, thủy tinh thể đơn tiêu đã có đủ, đảm bảo cho các ca mổ thay thủy tinh thể cho các bệnh nhân bảo hiểm y tế. Các loại thủy tinh thể cao cấp cũng đã có sẵn trong kho, sẵn sàng phẫu thuật cho người bệnh", TS Sơn thông tin.

Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, mỗi ngày, bệnh viện đủ năng lực tiếp nhận 2.000-3.000 người đến khám. Tuy nhiên hiện nay, số bệnh nhân có khoảng 1.000-2.000 người đến khám, điều trị mỗi ngày.

"Cùng với vật tư y tế trang thiết bị được cung cấp, trang bị đầy đủ cơ bản, là bệnh viện tuyến cuối về nhãn khoa, bệnh viện có đủ nhân lực và bố trí các kíp khám, phẫu thuật. Các ca mổ cấp cứu thực hiện kịp thời, không để bệnh nhân cấp cứu phải chuyển viện khác", TS Sơn cho biết.

Theo TS Sơn, phẫu thuật đục thủy tinh thể là phẫu thuật thông thường và nhu cầu mổ lớn với 9.000-10.000 ca/năm, tại bệnh viện, có những năm cao điểm lên đến 20.000-30.000 ca.

"Ngoài ra, các vật tư, hóa chất, máy móc, thuốc men cũng đảm bảo cho việc thực hiện các ca phẫu thuật cấp cứu về nhãn khoa, phẫu thuật sụp mi, lác mắt... ở trẻ em.

Dự kiến, với các máy móc vật tư mới về, và đã được bảo trì,  cũng số vật tư đã về, có thể dùng thoải mái trong 6-8 tháng, và đủ thời gian đến triển khai các gói thầu tiếp theo, theo các hướng dẫn thực hiện theo luật Đấu thầu mới", đại diện Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết.

"Chúng tôi đang cố gắng hết sức, đôn đốc nhà thầu cung ứng đúng hợp đồng, và bệnh viện cũng lên danh sách các bệnh nhân chờ mổ, có vật tư là chủ động mời bệnh nhân lên. Cùng với chất lượng chuyên môn được "phục hồi" và nâng cao, bệnh viện cũng đang chấn chỉnh về tiếp đón, tinh thần phục vụ, để người dân, người bệnh tiếp tục yên tâm điều trị, như đã nhiều năm tin cậy các bác sĩ của Bệnh viện Mắt Trung ương", lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết.

Bệnh viện Bạch Mai: Hết cảnh chờ hàng tuần mới được chiếu chụp

Trước đó, đầu tháng 1/2023, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng thông báo người bệnh hết cảnh chờ cả tuần mới được chiếu chụp, khi bệnh viện này thực hiện thành công hàng loạt gói thầu mới với giá trị hơn 200 tỷ đồng.

Bệnh viện Mắt Trung ương mổ lại sau chuỗi ngày dài ngủ đông - 2

Người dân được chụp cộng hưởng từ ngay trong ngày khi có chỉ định (Ảnh: Hồng Hải).

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ những năm 2020 trở về trước hầu hết các thiết bị của các Trung tâm lớn như Trung tâm Điện Quang, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Trung tâm Tiêu hóa gần như 100% các thiết bị là hình thành từ hình thức xã hội hóa.

Sau năm 2020, nhiều hợp đồng liên doanh liên kết hết hiệu lực, nhiều dự án đã có trục trặc về tính pháp lý vì vậy phần lớn các thiết bị liên quan đến nội soi tiêu hóa, CT, MRI, PET/CT, dao Gammar... đều phải đắp chiếu, hỏng hóc, không sử dụng được. Có thời kỳ, cả bệnh viện với hàng nghìn bệnh nhân, chỉ có 2 máy cộng hưởng từ hoạt động.

Sau khi Chính phủ, Bộ Y tế có các giải pháp tháo gỡ, Bệnh viện Bạch Mai đã tận dụng được nguồn vốn Quỹ phát triển sự nghiệp trong bệnh viện, đấu thầu thành công và đồng loạt đưa vào sử dụng 4 máy chụp cộng hưởng từ, 4 máy chụp cắt lớp vi tính và 20 hệ thống nội soi dạ dày tá tràng, hệ thống phẫu thuật nội soi, máy siêu âm màu, máy đo mật độ xương, đèn mổ, bàn mổ...

Chúng tôi tự tin không để người bệnh phải chờ như trước, bệnh nhân đi khám bệnh sẽ được thực hiện chiếu chụp, nội soi ngay trong ngày", PGS Cơ khẳng định.