1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

Bệnh viện khó phân luồng bệnh nhân nghi nhiễm MERS

(Dân trí) - Ngoài nhiệm vụ đảm bảo việc khám chữa bệnh thường ngày, các bệnh viện trên địa bàn thành phố còn phải căng mình triển khai phòng chống dịch MERS. Tình trạng quá tải đang gây khó khăn cho việc phân luồng người bệnh nghi nhiễm và chống nhiễm chéo ngay trong bệnh viện.

Khó phân luồng ca nghi nhiễm đến khám

Ngày 19/6, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc làm việc với Sở Y tế TPHCM và các bệnh viện trên địa bàn về công tác phòng chống dịch MERS. Báo cáo trước Bộ trưởng, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết: “Thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận 6 ca nghi nhiễm MERS, trong đó có 5 ca tự đến bệnh viện khai báo sức khỏe và làm các xét nghiệm kiểm tra, 1 bệnh nhân đến từ Trung Đông được Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất chuyển đến vì phát hiện thân nhiệt cao bất thường qua hệ thống máy theo dõi thân nhiệt từ xa. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tất cả bệnh nhân đều âm tính với vi rút MERS”.

Bộ trưởng Kim Tiến kiểm tra công tác phòng chống MERS tại sân bay Tân Sơn Nhất
Bộ trưởng Kim Tiến kiểm tra công tác phòng chống MERS tại sân bay Tân Sơn Nhất

Hiện, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã chủ động chuẩn bị 50 giường bệnh tại khoa Nhiễm D, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, nhân - vật lực sẵn sàng tiếp nhận, thu dung, điều trị khi xuất hiện ca bệnh tại phía Nam. Cùng với bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, các bệnh viện khác như: Chợ Rẫy, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 cũng đã lập các đội cơ động phòng chống dịch, sẵn sàng các phương án phục vụ cho điều trị. Bên cạnh đó, hệ thống y tế điều trị và y tế dự phòng tại TPHCM đang tổ chức tập huấn cho y bác sĩ trên địa bàn và các bệnh viện tuyến tỉnh về lấy mẫu xét nghiệm, cách ly, điều trị bệnh nhân MERS.

Tuy nhiên, tình trạng quá tải vốn diễn ra đang gây áp lực lớn đối với ngành y tế. Các trang thiết bị đã được tăng cường tối đa, nhưng trường hợp xuất hiện dịch MERS với đông bệnh nhân, bệnh viện khó đáp ứng. Hầu hết máy thở, phòng điều trị áp lực âm (mỗi bệnh viện chỉ có 1 phòng) hiện đã sử dụng gần hết vào việc cứu chữa cho những ca bệnh nặng. Riêng tại Chợ Rẫy, máy ECMO (lọc máu ngoài cơ thể) dùng để cứu chữa cho ca bệnh tối khẩn chỉ có duy nhất 1 chiếc.

Hành khách đi qua máy đo thân nhiệt từ xa
Hành khách đi qua máy đo thân nhiệt từ xa

Bộ trưởng Kim Tiến đã đặt ra giả thuyết gay cấn khi có một trường hợp nhiễm MERS xuất hiện tại khu khám bệnh ngồi chung với các bệnh nhân khác bệnh viện sẽ xử lý ra sao. Trước vấn đề trên, đại diện của hầu hết các bệnh viện đều bối rối bởi tình trạng bệnh nhân đến khám mỗi ngày quá đông (trung bình 4.000 - 6.000 bệnh nhân tại mỗi bệnh viện) trong khi khu khám bệnh chật chội, nhân lực y tế còn thiếu khiến việc phân luồng người bệnh nghi nhiễm hay nghi nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác gần như là phương án bất khả thi.

Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện thực hiện quyết liệt việc dự phòng lây nhiễm, nhiễm chéo ngay trong bệnh viện, kiên quyết không để nhân viên y tế bị nhiễm MERS. Bên cạnh đó, TPHCM cần chuẩn bị phương án lập bệnh viện dã chiến dành riêng cho việc điều trị MERS trong trường hợp dịch bệnh xuất hiện với số đông ca bệnh. 

Kiểm dịch Y tế Quốc tế cũng gặp khó

Để kiểm tra năng lực thực tế từ khâu kiểm soát dịch bệnh đang có nguy cơ tràn vào Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Kim Tiến đã đi thực địa tại đây. Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang được trang bị 4 máy đo thân nhiệt nhiệt từ xa để phát hiện ca bệnh nhập cảnh hoặc quá cảnh đến từ vùng dịch. Việc thực hiện tờ khai y tế đã triển khai đối với hành khách đến từ Trung Đông và Hàn Quốc. Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế cũng đã thiết lập quy trình chặt chẽ, phối hợp với các bệnh viện trong trường hợp phát hiện ca nghi nhiễm, chuyển viện, xét nghiệm, khử trùng và lập danh sách ca bệnh nghi nhiễm để tiếp tục theo dõi khi người bệnh nhập cảnh sinh sống tại các địa phương.

Tình trạng ùn ứ hành khách tại khu vực khai báo y tế
Tình trạng ùn ứ hành khách tại khu vực khai báo y tế

Mới đây, tại Thái Lan đã ghi nhận ca nhiễm MERS đầu tiên, thực tế trên đã phát sinh thêm nhiệm vụ khi phải mở rộng phạm vi giám sát của lực lượng Kiểm dịch Y tế Quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, hành khách đến từ Thái Lan vẫn chưa có quy định phải thực hiện tờ khai y tế, nên trung tâm kiểm dịch đang chờ ý kiến chỉ đạo từ Cục Y tế Dự phòng.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế cho hay: mỗi ngày tại Tân Sơn Nhất đón 10 chuyến bay đến từ Hàn Quốc và các quốc gia Trung Đông với khoảng 1.800 hành khách, nếu tính cả Thái Lan với 2 - 3 chuyến bay lượng hành khách sẽ tăng thêm khoảng 300 người trong ngày.

Mỗi ngày có khoảng 1.800 hành khách nhập cảnh từ vùng dịch
Mỗi ngày có khoảng 1.800 hành khách nhập cảnh từ vùng dịch

Ngoài nhiệm vụ phải giám sát bệnh nhân nghi nhiễm MERS, trung tâm kiểm dịch còn phải giám sát các bệnh khác trong đó có Ebola. Hành khách đông nhưng nhân lực y tế có giới hạn đang gây áp lực lớn cho lực lượng kiểm dịch. Bên cạnh đó, hầu hết hành khách Hàn Quốc đều không biết tiếng Anh nên gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp và khai báo y tế. Một số hãng bay, chưa thực hiện tờ khai y tế trong chuyến bay, hành khách sau khi đáp xuống phải thực hiện tờ khai tại bàn kiểm tra của kiểm dịch y tế gây nên tình trạng ùn ứ, bức xúc ngay trong nhà ga.

Bộ trưởng Kim Tiến đánh giá cao nỗ lực của trung tâm kiểm dịch trong việc giám sát dịch bệnh tại sân bay. Trước những tồn tại đang xảy ra, Bộ trưởng đề nghị Trung tâm kiểm dịch cần điều chỉnh tờ khai y tế cho hợp lý hơn, bằng cách sử dụng song ngữ gồm cả tiếng Anh và tiếng bản xứ ngay trên tờ khai y tế để thuận lợi cho những hành khách không biết tiếng Anh. Bên cạnh đó, các băng rôn tuyên tuyền cũng cần rõ ràng, dễ hiểu hơn.

Vân Sơn