Bệnh viện kêu khó vì hàng tỷ đồng khám chữa bệnh BHYT chưa được thanh toán

Nam Phương

(Dân trí) - Theo thống kê sơ bộ, tổng số tiền Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa quyết toán cho các cơ sở y tế là hơn 7.000 tỷ đồng. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh tại các đơn vị.

Sáng 16/11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 75 về quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo đó, hàng loạt cơ sở y tế, sở y tế cho biết việc chưa được quyết toán BHYT gây khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh. Chẳng hạn, đại diện Sở Y tế Bình Định cho biết số tiền khám, chữa bệnh BHYT vượt tổng mức chưa được quyết toán tại địa phương này là 42 tỷ đồng. Con số này tại Cần Thơ là 10 tỷ đồng.

Bệnh viện Trung ương Huế cũng báo cáo số tiền BHYT chưa được quyết toán là 57 tỷ đồng. 

Theo thống kê sơ bộ của bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố, tổng số tiền Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chưa quyết toán cho các cơ sở khám, chữa bệnh là hơn 7.000 tỷ đồng.

Việc chậm quyết toán này khiến các bệnh viện chậm trễ trong việc chi trả các gói thầu vật tư y tế, thuốc…, dẫn đến các nhà thầu cung ứng nhỏ giọt, chậm cung ứng. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện. 

Bệnh viện kêu khó vì hàng tỷ đồng khám chữa bệnh BHYT chưa được thanh toán - 1

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam (Ảnh: NP).

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết, theo quy định của Nghị định 75, các chi phí vượt tổng mức thanh toán xác định theo Nghị định 146 từ năm 2019 đến năm 2020 và 2022 sẽ được rà soát để thanh toán lại.

Năm 2021, thực hiện Nghị quyết 144, BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh toán đối với chi phí vượt tổng mức.

"Với 3 năm còn lại, BHXH Việt Nam đang yêu cầu BHXH các tỉnh rà soát, tổng hợp, đánh giá, giám định để tiến hành thanh toán cho các cơ sở khám chữa bệnh. Chúng tôi đang đôn đốc thực hiện, đảm bảo đến năm 2023 sẽ thực hiện thanh toán theo quy định của Nghị định 75", ông Phúc nêu rõ.

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, cho biết, việc bỏ tổng định mức thanh toán tạo ra sự động viên khích lệ cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong khám chữa bệnh BHYT cho người tham gia BHYT và các cơ sở y tế. 

Bệnh viện kêu khó vì hàng tỷ đồng khám chữa bệnh BHYT chưa được thanh toán - 2

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế (Ảnh: N.P).

Trên cơ sở số thu BHYT hàng năm, BHXH Việt Nam sẽ trình Thủ tướng để giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT đến BHXH tỉnh. BHXH tỉnh căn cứ vào khoản giao dự toán đó để thông báo số dự kiến chi đến các sở khám chữa bệnh BHYT. 

Từ đó, các cơ sở y tế có thể biết được căn cứ mức thu BHYT hiện có để có thể chi tiêu và tổ chức khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi đó. Điều này cũng đảm bảo quản lý sử dụng hiệu quả, chủ động, linh hoạt nhưng phải đảm bảo cân đối sử dụng hiệu quả tiết kiệm quỹ BHYT. 

Bệnh viện kêu khó vì hàng tỷ đồng khám chữa bệnh BHYT chưa được thanh toán - 3

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (Ảnh: Trần Minh).

Phát biểu kết luận tại hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Nghị định 75 của Chính phủ đã có thay đổi quan trọng trong việc quy định về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Chẳng hạn như điều chỉnh mở rộng đối tượng, tăng mức hưởng với một số đối tượng. 

"Điểm quan trọng nhất là bỏ tổng định mức thanh toán. Đây là điểm các cơ sở y tế hết sức phấn khởi, vui mừng. Trước đây, các bác sĩ vừa phải tính toán phác đồ điều trị vừa phải cân đo đong đếm để làm sao không vượt định mức bệnh viện giao.

Đây là việc hết sức vất vả cho bác sĩ điều trị, vô hình chung ảnh hưởng đến chuyên môn", Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh. 

Cụ thể, sẽ thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ ngày 1/1/2019.

Thứ trưởng cũng đề nghị BHXH Việt Nam sớm thanh toán số tồn động vượt dự toán của các cơ sở y tế từ năm 2019 đến giờ, thanh toán nốt phần kinh phí chưa giải quyết được (gần 6.000 tỷ đồng) từ năm 2016 đến giờ do vấn đề về thuốc. 

Ngoài ra, các cơ sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh tham mưu phù hợp tới UBND có các văn bản chỉ đạo điều hành, quản lý để thực hiện theo Nghị định 75 cũng như tiếp tục hướng dẫn tập huấn cho các cơ sở y tế dưới quyền để thực hiện chuẩn nhất nghị định. 

Các cơ sở y tế cũng cần nghiên cứu kỹ để thực hiện tốt Nghị định 75, tăng cường công tác mua sắm, đấu thầu để đảm bảo không thiếu thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế trong quá trình thực hiện công tác khám chữa bệnh. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm