1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện Hồng Ngọc cứu thành công ca nhồi máu cơ tim hiếm gặp

Trường Thịnh

(Dân trí) - Không tiền sử bệnh tim mạch, vậy nhưng chị Đ.H.Nhung đã trải qua cơn nguy kịch vì nhồi máu cơ tim ở độ tuổi còn rất trẻ. Rất may mắn, chị đã được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện Hồng Ngọc.

Đau ngực dữ dội, nữ bệnh nhân 35 tuổi được chẩn đoán nhồi máu cơ tim

Chị Đ.T.Nhung (35 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau nặng ngực kèm khó thở. Sau thăm khám lâm sàng, nhận thấy điện tim có bất thường, bác sĩ chỉ định chị thực hiện thêm các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Trước đó, chị không mắc bất kỳ bệnh lý tim mạch nào khác.

Theo Ths.Bs Nguyễn Văn Hải, Trưởng khoa tim mạch - tim mạch can thiệp bệnh viện Hồng Ngọc, người trực tiếp thăm khám, chủ trì ca can thiệp tim mạch cho bệnh nhân Nhung chia sẻ: "Nhồi máu cơ tim thường xảy ra ở người trung niên, cao tuổi hoặc nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, hút thuốc lá, thường xuyên stress, cũng thường gặp ở nam giới hơn, rất hiếm gặp ở phụ nữ trước tuổi mãn kinh. Với bệnh nhân Nhung, còn rất trẻ, lại là nữ giới và không mắc bệnh tim mạch trước đó thì đây là một trường hợp hiếm gặp".

Bệnh viện Hồng Ngọc cứu thành công ca nhồi máu cơ tim hiếm gặp - 1

Ths.BS Nguyễn Văn Hải phân tích kết quả sau can thiệp cho bệnh nhân Đ.H.Nhung và gia đình.

Sau khi nhận kết quả chẩn đoán bệnh, chị Nhung cho biết: "Thật sự, tôi rất bất ngờ khi bác sĩ nói mình bị nhồi máu cơ tim vì trước đó tôi không mắc bệnh tim mạch, cũng không có triệu chứng bất thường nào. Lần này chỉ đau ngực, khó thở mà đã bị nhồi máu cơ tim, đến giờ tôi vẫn rất sốc".

Thành công tìm ra chính xác nguyên nhân nhồi máu cơ tim ở nữ bệnh nhân trẻ tuổi

Sau khi chẩn đoán bệnh, chị Nhung nhanh chóng được êkip bác sĩ can thiệp tim mạch chuyển vào phòng chụp mạch số hóa xóa nền. Kết quả, mạch vành của chị bị tắc hoàn toàn ngay đoạn đầu của động mạch liên thất trước (động mạch quan trọng nhất quyết định chức năng co bóp đưa máu đi nuôi cơ thể). Các bác sĩ khẩn trương tiến hành hút huyết khối và đặt stent tái thông thành công động mạch vành cho bệnh nhân.

Ca bệnh này có nhiều huyết khối mới hình thành nên êkip phải rất cẩn trọng để tránh làm vỡ huyết khối dễ trôi tắc các nhánh nhỏ ở hạ lưu. Sau 60 phút, ca can thiệp diễn ra thành công, bệnh nhân được đặt 1 stent có kích thước 3.0x34 mm của Mỹ.

Ca can thiệp có sự hỗ trợ đắc lực của siêu âm trong lòng mạch (IVUS), giúp bác sĩ đánh giá bản chất của nguyên nhân gây hình thành cục máu đông và đường kính động mạch vành một cách chính xác, bởi lẽ trong nhồi máu cơ tim, mạch vành thường bị co nhỏ hơn so với bình thường khiến bác sĩ dễ chọn sai kích thước. Sau can thiệp cho thấy dòng chảy khơi thông tốt, stent nở, áp sát thành mạch máu tốt.

Bệnh viện Hồng Ngọc cứu thành công ca nhồi máu cơ tim hiếm gặp - 2

Hình ảnh kết quả trước và sau can thiệp của bệnh nhân.

Theo BS Hải: "Với bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh lý nền khi nhập viện vì nhồi máu cơ tim cấp thường là mảng xơ vữa hẹp nặng bị nứt vỡ gây hình thành cục máu đông tại chỗ gây tắc mạch vành. Nhưng với bệnh nhân trẻ tuổi, lại không có tiền sử mắc bệnh tim mạch như chị Nhung, chúng tôi nghi ngờ nguyên nhân gây tắc mạch có thể do bóc tách mạch vành tự nhiên, hoặc do cục máu đông từ buồng tim bị trôi vào và gây tắc mạch vành. Vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân thật sự khiến bệnh nhân lên cơn nhồi máu cơ tim để đưa ra phác đồ điều trị là rất quan trọng".

Kết quả chụp mạch số hóa xóa nền DSA cho thấy có tuần hoàn bàng hệ từ động mạch vành phải sang đoạn xa động mạch liên thất trước, ngoài ra siêu âm trong lòng mạch IVUS, bác sĩ xác định bên trong mạch vành của chị Nhung xơ vữa mạch vành lan tỏa, hẹp rất nặng diện tích lòng mạch. Điều này chứng minh mạch vành của bệnh nhân đã xuất hiện mảng xơ vữa và hẹp nặng từ trước đó, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim nguy hiểm khiến chị đối diện với cửa tử"

Bệnh viện Hồng Ngọc cứu thành công ca nhồi máu cơ tim hiếm gặp - 3

Hình ảnh siêu âm cho thấy mạch vành bệnh nhân Nhung có mảng xơ vữa hình thành từ lâu.

Sau can thiệp, các triệu chứng ban đầu của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, sức khỏe của bệnh nhân hồi phục nhanh chóng. BS Hải đã tư vấn kỹ phác đồ sử dụng thuốc sau này cũng như chế độ sinh hoạt, ăn uống phù hợp cho chị Nhung để ngăn ngừa tình trạng tái hẹp stent và các biến chứng không mong muốn.

Sau 3 ngày điều trị nội khoa và theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe, chị Nhung được xuất viện. "Nhờ được bác sĩ đặt stent, tôi không còn thấy đau ngực nữa. Đến giờ, sức khỏe của tôi đã ổn định hơn rất nhiều. Cảm ơn các bác sĩ bệnh viện Hồng Ngọc, nhất là bác sĩ Hải đã chẩn đoán chính xác bệnh, cứu chữa kịp thời cho tôi", chị Nhung chia sẻ.

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý cấp tính, diễn biến phức tạp, có tỷ lệ tử vong cao. Đây không chỉ còn là căn bệnh của người già mà đang ngày càng trẻ hóa. Qua trường hợp của chị Nhung, Ths.Bs Nguyễn Văn Hải khuyến cáo mọi người, dù không có triệu chứng bất thường cũng nên thực hiện tầm soát các bệnh lý tim mạch để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm.