Bệnh viêm mũi dị ứng: Dễ nhầm với bệnh cảm!

(Dân trí) - Dị ứng là một căn bệnh khá phổ biến, ảnh hưởng đến 20% dân số nước ta nhưng các triệu chứng của nó lại khá giống với bệnh cảm nên triệu chứng thường nặng lên, ảnh hưởng lớn đến tinh thần và chất lượng sống của người bệnh vì không được điều trị đúng.

 

Bệnh viêm mũi dị ứng: Dễ nhầm với bệnh cảm!


 

Dị ứng là bệnh phổ biến ở Việt Nam, ảnh hưởng đến 20% dân số, nếu có cha hoặc mẹ bị dị ứng đường hô hấp, con cái sẽ có nguy cơ 30% phát bệnh này. Bệnh thường bắt đầu trước 20 tuổi (80% trường hợp), tuổi khởi phát trung bình từ 8-11 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở khoảng 12-15 tuổi. Tần suất bệnh xuất hiện ở thành thị cũng cao hơn nông thôn.

 

Triệu chứng dễ nhầm

 

Dị ứng được chia làm 3 mức độ. Ở mức độ nhẹ (rất phổ biến) sẽ gây ra các triệu chứng như viêm kết mạc dị ứng, ngứa và chảy nước mũi. Ở mức độ trung bình, dị ứng có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như nghẹt mũi, sung huyết mũi, nhức đầu, giảm khứu giác, khó thở… khiến giấc ngủ người bệnh bất thường, giảm sinh hoạt hằng ngày, hạn chế khả năng học tập, làm việc . Ở một số người, dị ứng nặng với các chất gây dị ứng trong môi trường và thức ăn hoặc một số loại thuốc y dược có thể gây sốc phản vệ đe dọa đến tính mạng.

 

Do các triệu chứng khá giống với cảm, cùng là hắt hơi, chảy mũi, ngạt mũi nên bệnh nhân viêm mũi dị ứng thường tự dùng các loại thuốc cảm giúp giảm đau, hạ sốt. Thông tin của bệnh nhân về những biểu hiện tương đồng giữa hai căn bệnh này đôi khi khiến các bác sĩ và dược sĩ cũng không thể kê toa điều trị đúng.

 

Hậu quả của việc sử dụng thuốc không đúng kéo dài này có thể làm nặng thêm các triệu chứng dị ứng, ảnh hưởng lớn đến tinh thần và chất lượng sống của người bệnh.

 

Xác định và phòng bệnh cách nào hiệu quả?
 

Thực tế, dị ứng là một trong bốn hình thức của chứng quá mẫn cảm, là phản ứng không thích hợp của hệ thống miễn dịch với những chất bình thường. Nó kích hoạt quá mức các dưỡng bào (bạch cầu mast) và một loại kháng thể được gọi là IgE, dẫn đến một phản ứng viêm nặng thông thường bao gồm chàm, phát ban, tiêu chảy, lên cơn hen suyễn. Những chất thúc đẩy dị ứng được gọi là dị nguyên như phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, lông thú, côn trùng và một số loại thực phẩm.

 

Theo các chuyên gia y tế Singapore, nguyên nhân là do  môi trường ngày càng trở nên ô nhiễm, khí hậu thay đổi thường xuyên và đột ngột, làm việc nhiều trong môi trường có điều hòa nhiệt độ khiến các tác nhân gây dị ứng cũng xuất hiện nhiều hơn.

 

Và để phòng tránh, ngoài việc tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, giữ ấm cơ thể, vệ sinh răng miệng, cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như khói bụi, thực phẩm gây dị ứng…. Tuy nhiên, thực tế là rất khó để tránh tiếp xúc với dị nguyên 1 cách hoàn toàn. Do đó, quan trọng nhất là chẩn đoán đúng bệnh và dùng đúng thuốc.

 

Về chẩn đoán, theo BS Kenneth Oo, bác sĩ tham vấn thỉnh giảng của bệnh viện Đa kkhoa Changi, bệnh viện ĐH Quốc gia, bệnh viện Đa khoa Singapore, phẫu thuật viên Tai-mũi-họng tham vấn bệnh viện Mount Elizabeth (Singapore), cần phải đánh giá đầy đủ cả bên trong lẫn bên ngoài các biểu hiện ở người bệnh.

 

Cụ thể, viêm mũi dị ứng sẽ có các triệu chứng điển hình là chảy mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa… và thường xuất hiện ở người có mũi quá to, mũi quá tẹt, mũi quá sộng, mũi khoằm (mũi két), mũi cong.

 

Nguy hiểm hơn là các triệu chứng như nghẹt 1 bên mũi, chảy máu, nghẹt tai, đau, mất khứu giác, sưng mặt, chảy nước mũi trong 1 bên…

 

Các vấn đề y khoa khác thường đi kèm như hen suyễn, chàm, dị ứng thuốc, polyp mũi…

 

Lúc này, người bệnh cần được làm các xét nghiệm soi mũi, test lẩy da (xét nghiệm định tính với các dị nguyên hít qua trung gian IgE); xét nghiệm máu (kháng thể đặc hiệu với các dị nguyên hít, kháng thể đặc hiệu với các dị nguyên thực phẩm).

 

Căn cứ trên các triệu chứng, biểu hiện và xét nghiệm, các bác sĩ sẽ quyết định dùng thuốc nào và có phẫu thuật tạo hình lại mũi không. Tuy nhiên, nếu cho rằng thuốc kháng histamin được khuyên dùng để điều trị viêm mũi dị ứng thì thông tin này chưa đầy đủ và chưa là giải pháp tối ưu.

 

Phát biểu tại hội thảo khoa học mới đây, TS. BS Kenneth Oo đã chia sẻ những tiến bộ về việc điều trị viêm mũi dị ứng bằng thuốc kháng histamine thế hệ 2 so với thế hệ 1: “Việc điều trị viêm mũi dị ứng bằng các loại thuốc kháng histamine thế hệ 2 sẽ khởi phát tác động nhanh, không gây buồn ngủ vì ít đi qua hàng rào máu não, do đó không chống chỉ định ở một số đối tượng”.

 

Còn theo BS. Cheong Wai Kwong, cố vấn Y khoa Hiệp hội bệnh vảy nến Singapore: “Ưu điểm của thuốc kháng histamine thế hệ thứ 2 trong điều trị các bệnh lý liên quan đến dị ứng là hiệu quả tác động nhanh (ngay trong giờ đầu tiên), hiệu quả kéo dài suốt 24 giờ (chỉ dùng liều 1 lần trong ngày), ít gây ra tương tác thuốc so với thuốc thế hệ thứ nhất”.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng lưu ý, đối với bà mẹ mang thai 3 tháng đầu hay đang cho con bú, nếu buộc phải dùng thuốc thì nên chọn thuốc kháng histamine thế hệ 1 dù có 1 số tác dụng phụ không mong muốn.
 
Trần Phương