Bệnh ung thu vú không đáng sợ!
(Dân trí) - Tại các nước phát triển, ung thư vú là bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ nhưng ít người biết rằng đây là bệnh nằm trong số những loại bệnh ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn. Hơn thế, đã có những phương pháp bảo tồn phần ngực bị ảnh hưởng.
Dưới 40 tuổi nên làm siêu âm
Về cơ bản, ung thư vú là một khối u ác tính phát triển từ những tế bào ở ngực và triệu chứng thường nổi u. Khi tự khám ngực, nếu thấy một khối u ở ngực, cần tiến hành chụp nhũ ảnh, siêu âm và/hoặc làm sinh thiết để biết chắc liệu đó có phải là ung thư vú hay không.
Bác sỹ Elizabeth Au, chuyên khoa ung thư thuộc tập đoàn y tế Parkway chỉ ra rằng: “Đối với phụ nữ dưới 40 tuổi, phim chụp nhũ ảnh không rõ và khó có thể thấy được dấu hiệu bất thường và phải mất vài năm chuyển đổi trạng thái thì phim chụp mớ đủ rõ. Vì vậy, họ có thể cần cả siêu âm và chụp nhũ ảnh”.
Khi làm sinh thiết, bác sỹ sẽ chích một miếng mô nhỏ trong khối u để kiểm tra vi thể xem tế bào đó lành tính hay ác tính. Theo bác sỹ Hong Ga Sze, bác sỹ phẫu thuật thuộc tập đoàn y tế Parkway, sinh thiết vú chỉ là vết chích nhỏ. Thay vì phải phẫu thuật mổ mở, các bác sỹ sẽ sử dụng thiết bị sinh thiết vú Mammotome, giống như vi phẫu.
Để ngực được bảo tồn
5 năm trước đây, tỷ lệ bảo tồn ngực trong số những bệnh nhân ung thư vú ở Singapore khoảng 20% nhưng nhiều dữ liệu gần đây cho thấy tỉ lệ bảo tồn ngực của những bệnh nhân ung thư vú đã tăng lên cùng với nhận thức cao hơn và chẩn đoán sớm hơn.
“Đối với bệnh ung thư vú, thông tin quan trọng nhất đối với các bác sỹ là tình trạng hạch nách của bệnh nhân”, ông nói, “Lý do tại sao điều này quan trọng là do từ ngực, nơi đầu tiên di căn là nách. Nếu hạch ở nách là ác tính, đó là tin xấu. Nếu chưa có hạch ở nách, đó là tin tốt’.
Phương pháp mới nhất hiện nay được áp dụng để phát hiện các tế bào ung thư vú đã di căn hay chưa được gọi là sinh thiết hạch và lợi ích từ phương pháp này là có thể phát hiện hạch ở những người có khối u nhỏ không cảm nhận được. Nếu có thể cảm nhận được hạch thì phương pháp này không có tác dụng nữa.
“Nếu hạch lớn có thể cảm nhận được, thường cho thấy ung thư vú đã di căn. Khối u càng lớn, thì càng có thể chắc rằng hạch nách bị ảnh hưởng”, Bác sỹ Hong nói, “Vì vậy chúng tôi mong bệnh nhân ung thư vú có những khối u nhỏ sớm chữa trị, như vậy chúng tôi có thể làm sinh thiết hạch, và bảo tồn ngực”.
Từ “nhỏ” bác sỹ Hong nói đến là những khối u trung bình khoảng 2cm. Thật không may, hầu hết các bệnh nhân đến gặp bác sỹ khi mà khối u đã phát triển to hơn 2cm, thường thì những khối u đó đã bắt đầu phát triển được từ 1 đến 2 năm.
Phản ứng phụ - Đừng “tự kỷ ám thị”
Theo kinh nghiệm của các bác sĩ, sở dĩ bệnh nhân chần chừ đi khám là do sợ các phản ứng phụ trong quá trình điều trị. Sau khi làm phẫu thuật, bệnh nhân cần được xạ trị và/hoặc hóa trị và liệu trị hoóc môn để làm giảm nguy cơ tái phát của bệnh. Và đặc biệt với phương pháp hóa trị, các bệnh nhân thường lo bị rụng tóc. Tuy nhiên, phản ứng phụ này chỉ diễn ra vài ngày trong mỗi tháng và việc điều trị thường kết thúc trong vòng 4 - 6 tháng. Đặc biệt, khi kết thúc điều trị, cảm giác buồn nôn, rụng tóc… sẽ chấm dứt.
“Sau khi được phát hiện và ung thư mới chỉ ở giai đoạn đầu, 80% bệnh nhân ung thư sẽ được chữa khỏi. Họ chỉ cần vượt qua được giai đoạn điều trị khó khăn thì sau đó mọi thứ sẽ ổn”.
Di truyền - Không phải tác nhân duy nhất
“Nếu bạn phát hiện thấy một khối u ở ngực, đừng hoảng sợ. 80% trường hợp có u như vậy là lành tính”, bác sỹ Elizabeth Au cho biết.
Ngay khi phát hiện thấy u cục bất thường, hãy đi khám và đừng chủ quan cho rằng mình sẽ không bao giờ bị mắc bệnh ung thư vú chỉ vì gia đình chẳng có ai bị mắc bệnh đó cả hoặc bởi vì bạn không nằm trong nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao.
Theo kinh nghiệm của bác sỹ Au, ung thư vú ở dạng di truyền không phổ biến lắm, chỉ khoảng 10% trong số những bệnh nhân bà đã gặp.
Những người nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao bao gồm cả những người không hoạt động nhiều về thể lực thời thanh niên và nguy cơ tăng 3 - 4 lần ở những người uống ít nhất 1 đến 1,5 lít rượu mỗi ngày.
Phụ nữ sinh con muộn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. Theo quan niệm, phụ nữ nên sinh con đầu lòng trước tuổi 30 để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú bởi sự thay đổi hoóc môn trong cơ thể khi mang thai và cho con bú sẽ có tác dụng bảo vệ người mẹ khỏi căn bệnh này.
Ngoài ra, một nhân tố khác là do chế độ ăn kiêng, tuy nhiên chưa có bằng chứng khoa học cụ thể.
Bác sỹ Au cũng cảnh báo rằng những năm gần đây những bệnh nhân trẻ mắc bệnh ung thư vú ngày càng có xu hướng tăng. Trước đây, những bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú thường phổ biến ở độ tuổi 50 đến 60.
Bây giờ, “chúng tôi gặp những bệnh nhân trong độ tuổi cuối 20, đầu 30. Và khá nhiều trong số họ đang ở độ tuổi cuối 30, sắp bước vào tuổi 40, 41, 42… Thêm vào đó, có nhiều bệnh nhân ung thư vú nhưng không nằm trong nhóm những người có nguy cơ mắc bệnh cao. “Họ có con sớm, cho con bú, rèn luyện thể chất, từng là vận động viên trong những năm ở tuổi thanh thiếu niên, nhưng họ vẫn mắc bệnh ung thư vú”, bác sỹ Au nói. ‘Và hầu hết với những bệnh nhân mà tôi đã gặp đó, chế độ ăn kiêng thực sự là rất có lợi cho sức khỏe. Vì vậy bạn cũng không thể đổ lỗi cho chế độ ăn kiêng đó".
Phương Nga
(Bài viết do các bác sỹ thuộc
tập đoàn Y tế Parkway cung cấp)