Bệnh tay chân miệng: Chủ yếu điều trị tại nhà

(Dân trí) - Theo TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc bệnh viện Nhi TƯ, ca tử vong đầu tiên vì bệnh tay chân miệng tại Hà Nội là một ca đặc biệt. Bởi đa phần các trường hợp mắc bệnh có thể điều trị tại nhà.

Bệnh tay chân miệng: Chủ yếu điều trị tại nhà - 1
Dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng

Theo TS Điển, ca tử vong đầu tiên vì bệnh tay chân miệng tại Hà Nội là một ca đặc biệt, với những diễn tiến bệnh rất nhanh nên dù được nhập viện sau 1 ngày khởi sốt, được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế nhưng cháu bé đã không qua khỏi khiến nhiều người có con nhỏ lo lắng cũng dễ hiểu. Nhưng lo lắng tới mức, con khỏe mạnh, bình thường, không hề có dấu hiệu gì ốm đau mà cứ nằng nặc cho nhập viện để theo dõi thì lại là sự lo lắng thái quá. Lo sợ tay chân miệng nên muốn cho bé vào viện theo dõi mà bố mẹ không lường hết được trong bệnh viện, có nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chẳng kém gì tay chân miệng và hoàn toàn có thể lây chéo cho trẻ.

Người dân cần hiểu, tay chân miệng là bênh lý lây nhiễm nhiễm do vi-rút. Hầu hết các ca bệnh đều tự khỏi, chỉ một nhóm rất nhỏ nhiễm virus EV71. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào nhiễm virus này cũng cũng tử vong. Trong 100 mẫu được lấy xét nghiệm tại bệnh viện có dương tính với vi rút EV thì có 17 ca là nhiễm vi rút EV 71 nhưng chỉ một ca tử vong. Hay như một ca nặng là em bé hơn 1 tuổi do nhiễm vi rút EV 71 đang điều trị tại viện trước đó bị biến chứng viêm não rất nặng, hôn mê, suy thở nhưng sau quá trình điều trị trẻ đã tự thở được, được rút ống nội khí quản và có tiên lượng tốt”, TS Điển nói.

Vì thế, cha mẹ nên bình tĩnh để giúp con phòng chống bệnh tay chân miệng chứ không nhất thiết phải đổ xô tới bệnh viện khám. Còn khi bé có dấu hiệu bệnh với biểu hiện sốt cao liên tục, 39, 40 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt, nổi ban ở khoang miệng, lòng bàn tay, chân… thì nên đưa bé tới viện khám để được tư vấn điều trị. Phần lớn các ca bệnh này đều được điều trị tại nhà và khỏi sau vài ba ngày. Còn những ca nhiễm vi rút EV 71 thì biểu hiện nặng nề hơn và những ca biến chứng gây tử vong đến nay là 111ca/57.000 ca tay chân miệng được ghi nhận trên toàn quốc.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm