Cần Thơ:
Bệnh nhẹ nằm chờ, bệnh nặng phải chuyển lên tuyến trên vì thiếu máu
(Dân trí) - Tình trạng thiếu máu trong điều trị ở ĐBSCL đang rất trầm trọng. Vì lượng máu khan hiếm nên người bệnh phải chuyển lên tuyến trên điều trị hoặc nằm chờ ở các bệnh viện đợi truyền máu.
Chuyển lên tuyến trên hoặc nằm chờ truyền máu
Tình trạng các bệnh viện ở miền Tây bị thiếu máu, ảnh hưởng đến công tác điều trị cho người dân, trong đó Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Cần Thơ được xem là ngân hàng máu ở ĐBSCL cũng chỉ cung cấp nhỏ giọt, cầm chừng cho các bệnh viện.
Có người thân bị bệnh ung thư máu, anh Trần Thanh Nhàn (30 tuổi, ngụ Cần Thơ) cho biết, thay vì điều trị ở địa phương, anh Nhàn phải đưa người nhà lên Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM chạy chữa.
"Tình trạng của mẹ tôi cần truyền tiểu cầu nhưng các bệnh viện ở Cần Thơ lại không có đủ tiểu cầu để truyền, buộc tôi phải đưa mẹ lên bệnh viện tuyến trên nên tốn nhiều chi phí", anh Nhàn nói.
Liên quan câu chuyện thiếu máu, trao đổi với phóng viên Dân trí, Bác sĩ CKII Lê Hoàng Phúc, Trưởng phòng Kế hoạch và Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, khoảng một tuần nay tình hình thiếu máu ở bệnh viện rất căng thẳng vì trước đó thiếu tiểu cầu nay lượng hồng cầu cũng không đủ đáp ứng cho điều trị, đặc biệt nhóm máu A đang khan hiếm.
"Những ca cấp cứu như xuất huyết tiêu hóa mà cần truyền nhóm máu A bắt buộc phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy ở TPHCM điều trị vì bệnh viện đang thiếu nhóm máu này.
Hoặc trường hợp phẫu thuật 2-3 ngày là xong nhưng do thiếu máu nên bệnh nhân phải nằm chờ cả tuần, lúc đó chúng tôi dùng thuốc và truyền dịch cho người bệnh, đợi có máu mới phẫu thuật.
Phía bệnh viện cố gắng kết nối tìm số lượng máu từ các bệnh viện để truyền cho bệnh nhân qua giai đoạn cấp cứu rồi mới chuyển lên tuyến trên. Chẳng hạn tuần trước chúng tôi đã chuyển 4-5 trường hợp do không có máu", ông Phúc cho hay.
Cũng theo bác sĩ Phúc, 2 đơn vị hỗ trợ máu nhiều nhất cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ là Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Cần Thơ, Bệnh viện Chợ Rẫy, ngoài ra còn có Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang nhưng số lượng không nhiều.
"Đối với Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ lấy máu hàng tuần, số lượng 100 đơn vị; Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Cần Thơ cung ứng khoảng trên 100 đơn vị máu mỗi tuần. Tuy nhiên nhu cầu sử dụng máu của bệnh viện rất lớn, số lượng này không đủ đáp ứng", bác sĩ Phúc nói thêm.
Theo báo cáo định kỳ công tác cung cấp máu, chế phẩm máu và tiến độ thực hiện kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm hóa chất vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023-2024 của Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Cần Thơ từ 17-19/9 cho thấy, số lượng loại máu, chế phẩm máu không đáp ứng đủ yêu cầu của các đơn vị đề nghị.
Cụ thể, khối hồng cầu chỉ cung cấp được 448 đơn vị so với dự trù cho cấp cứu của các bệnh viện, khối tiểu cầu gạn tách cung ứng được 15/24 đơn vị, tủa lạnh 20/120 đơn vị, huyết tương tươi đông lạnh 46/46 đơn vị.
Cũng theo báo cáo, sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế dưới 500 triệu đồng, bệnh viện đã tổ chức tiếp nhận và sản xuất kit tiểu cầu gạn tách để cung cấp xen kẽ với tiểu cầu gạn tách từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM cung cấp.
Tuy nhiên, dự kiến đến đầu tháng 10/2023, số lượng túi máu và hóa chất sàng lọc sẽ hết, không thể tiếp tục sản xuất tiểu cầu.
Mặt khác, từ tháng 10/2023, bệnh viện chỉ nhận được hỗ trợ cung cấp khối hồng cầu từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM (do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ngừng cung cấp), với số lượng dự kiến tối đa 3.000 đơn vị/tháng, không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của 74 bệnh viện ở ĐBSCL (số lượng từ 14.000-15.000 đơn vị).
"Số lượng chế phẩm kết tủa lạnh mua từ các bệnh viện tuyến trên cũng đã giảm từ ngày 15/9/2023, dự kiến thời gian sắp tới số lượng tủa lạnh không đủ phục vụ cấp cứu cho những bệnh nhân bị xuất huyết do thiếu yếu tố đông máu", trích từ báo cáo bệnh viện.
Từng bước gỡ khó trong thiếu máu
Đối với tình trạng thiếu máu tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Cần Thơ, bà Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, trong quy trình đấu thầu mua sắm ở bệnh viện, Sở chỉ đóng vai trò trung gian.
Phía bệnh viện đề xuất mua sắm sẽ gửi qua Sở, sau khi thẩm định đơn vị tiếp tục trình cho UBND TP Cần Thơ để phê duyệt quyết định mua sắm, phê duyệt quyết định dự toán và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Hiện tại đã có 347/394 mặt hàng trong gói thầu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ được duyệt, nhưng lại có 47 mặt hàng tăng giá so với quyết định dự toán ban đầu nên trước đó bệnh viện phải chờ UBND phê duyệt điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, ngày 22/9, UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định phê duyệt điều chỉnh giá 47 mặt hàng này nên đã tháo gỡ phần nào khó khăn trong việc thiếu máu. Phía bệnh viện phải làm thủ tục trình Chủ tịch UBND TP ban hành quyết định phê duyệt dự toán mua sắm; quyết định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Khi có đầy đủ 3 quyết định mua sắm, quyết định phê duyệt dự toán và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, bệnh viện mới có thể tự triển khai các bước tiếp theo như mời thầu.
Cũng theo bà Nga, tình trạng thiếu máu như hiện tại xuất phát từ sau dịch Covid-19, khi đó số lượng máu của các bệnh viện được sử dụng rất nhiều để cứu chữa cho người bệnh.
Mặt khác, các công ty, doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế tạm ngưng hoạt động theo chỉ thị 16 để phòng, chống dịch. Những điều trên tác động khiến công tác mua sắm trong y tế bị ảnh hưởng, không đủ túi đựng máu và hóa chất sàng lọc bệnh lây qua đường máu dẫn đến thiếu máu ở nhiều bệnh viện như hiện nay.