Bệnh nhân xuất huyết não ngày càng trẻ
Áp lực cuộc sống ngày càng cao, uống nhiều rượu bia nhưng ít tập thể dục là một trong những nguyên nhân khiến xuất huyết não ngày càng trẻ hóa.
“Trước đây, bệnh nhân xuất huyết não thường rơi vào độ tuổi trên 55. Tuy nhiên, gần đây bệnh viện (BV) thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị xuất huyết não trên dưới 45 tuổi. Đây là điều đáng quan tâm vì hình thái bệnh tật có sự thay đổi” - BS Trần Văn Sóng, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết.
Tử vong quá nhanh
Khoảng 23h ngày 24-9, BV Nhân dân 115 tiếp nhận bà VTTH (45 tuổi, ở Đồng Nai) hôn mê sâu do xuất huyết não.
Bác sĩ nhanh chóng đo nhịp tim và cho bệnh nhân thở máy. Tuy nhiên, màn hình hiển thị những thông số cho thấy nhịp tim chậm và hơi thở bệnh nhân không đều. Sau khi soi đèn vào mắt bà H., BS Đặng Quang Vinh lắc đầu nói với người nhà: “Bệnh nhân giãn đồng tử do phù não quá nhiều. Người bệnh đã chết lâm sàng, không thể qua khỏi”.
Trước sự ra đi quá đột ngột của bà H., người nhà khóc ngất. Con trai bệnh nhân kể: “Đang tưới đám rau sau nhà, má tôi than nhức đầu, hai tay ôm chặt thái dương. Tôi chạy tới nơi thì tay chân má tôi bủn rủn và ngã chúi một bên, miệng ú ớ. Cả nhà đưa má tôi tới BV huyện, nơi đây cho biết má tôi bị xuất huyết não nên chuyển lên BV Nhân dân 115”.
Cầm kết quả chụp CT Scan của bệnh nhân, BS Vinh chỉ người nhà xem những ổ máu tụ chèn ép vùng não lân cận gây thiếu máu não cục bộ. Điều này khiến bà H. tử vong rất nhanh.
Trong lúc gia đình làm thủ tục đưa bà H. về nhà để lo hậu sự thì một người đàn ông mập mạp nằm trên băng ca được điều dưỡng đẩy nhanh vô phòng hồi sức. Bệnh nhân tên NVT (44 tuổi, ở TP.HCM) cũng bị xuất huyết não và đang rơi vào trạng thái mê man.
BS Đặng Quang Vinh (BV Nhân dân 115, TP.HCM) giải thích với người nhà nguyên do bệnh nhân bị xuất huyết não. Ảnh: TRẦN NGỌC
Con gái bệnh nhân kể trong nước mắt: “Ba tôi có tiền sử tăng huyết áp. Hồi tối ba tôi qua nhà hàng xóm chơi, vừa về tới nhà thì người xụi dần, vật vã, mồ hôi ra như tắm, cứng miệng, nhịp thở nhanh. Khi dìu ba lên giường, tôi phát hiện tay và chân phải ba tôi mất cảm giác, vệ sinh không tự chủ”.
Bệnh nhân cũng được nhân viên y tế đo nhịp tim và cho thở máy đồng thời tiến hành chụp MRI. Kết quả chụp MRI cho thấy bệnh tình ông T. không quá trầm trọng nhờ kịp thời đưa đến BV. “Sau khi điều trị tích cực, ông T. đã qua cơn nguy kịch và tiếp tục được theo dõi, chăm sóc. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ gánh chịu những di chứng nặng nề và khả năng sống đời thực vật rất cao” - BS Trần Hùng Tấn giải thích với người nhà ông T.
Tránh áp lực căng thẳng
“Tăng huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng xuất huyết não. Huyết áp tăng cao đột ngột sẽ làm vỡ mạch máu não, dẫn đến hiện tượng máu tràn ra não. Nhẹ thì để lại di chứng như liệt, mất ngôn ngữ. Nặng thì tử vong rất nhanh, trong khoảng 48 tiếng” - BS Trần Văn Sóng giải thích.
Ngoài nguyên nhân trên, những người béo phì, nghiện rượu, ít vận động, cholesterol trong máu cao… cũng là yếu tố dẫn đến thực trạng dễ bị xuất huyết não. Chưa hết, áp lực cuộc sống ngày càng cao, uống nhiều rượu bia nhưng ít tập thể dục là một trong những nguyên do khiến xuất huyết não ngày càng trẻ hóa. “Biểu hiện dễ nhận biết của xuất huyết não là nhức đầu dữ dội, tay chân bủn rủn và ngã chúi bên phải hoặc trái. Chưa hết, tay và chân cùng bên của người xuất huyết não bị xụi, phát âm khó khăn hoặc cấm khẩu, vệ sinh không tự chủ, thở không đều, rối loạn nhịp tim, lú lẫn…” - BS Sóng lưu ý.
“Những người tăng huyết áp cần được bác sĩ theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện những bất thường trong cơ thể. Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý để tránh béo phì, hạn chế tối đa rượu bia, tăng cường vận động, giữ tinh thần thoải mái, đẩy lùi mọi căng thẳng… là những yếu tố phòng ngừa xuất huyết não” - BS Sóng đưa ra lời khuyên.
Ngày 26-9, BS Đoàn Trần Hữu Vũ, khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), cho biết cũng đã tiếp nhận và điều trị không ít bệnh nhân bị xuất huyết não ở độ tuổi dưới 45. Có bệnh nhân tử vong sau vài tiếng nhập viện, cũng có bệnh nhân được cứu nhưng phải sống đời thực vật. Khi có những biểu hiện như líu lưỡi, đánh rơi đồ vật đang cầm, chân yếu và khuỵu ngã… thì hãy nghĩ đến dấu hiệu bệnh xuất huyết não. Điều nên làm là đến BV càng sớm càng tốt để tránh hậu quả xấu về sau.
Đột quỵ ở người trẻ tăng 2% mỗi năm
Theo báo cáo của Hội Thần kinh học TP.HCM, đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là bệnh lý hệ thần kinh phổ biến nhất hiện nay, đặc trưng bởi hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột với hai dạng chính là nhồi máu não (tắc mạch) và xuất huyết não (vỡ mạch). Đột quỵ não thường xảy ra bất ngờ và để lại hậu quả rất nặng nề. Có đến 90% bệnh nhân phải gánh chịu các di chứng sau cơn đột quỵ như liệt nửa người, liệt toàn thân, bại não… Mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người mắc mới đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Tuy nhiên, hiện nay bệnh ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê tại các BV, tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới.
Khảo sát cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết não ở độ tuổi 45 hiện nay chiếm tỉ lệ 15%-25% so với tổng số bệnh nhân bị bệnh lý này. Con số này khá cao và đang có chiều hướng gia tăng. Mức độ căng thẳng của công việc, chế độ dinh dưỡng và lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân gia tăng xuất huyết não ở độ tuổi 45. Đặc biệt, sử dụng rượu bia ở độ tuổi càng sớm thì nguy cơ bị xuất huyết não ở độ tuổi trẻ hơn càng tăng.
TS-BS NGUYỄN HUY THẮNG, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM
Theo Trần Ngọc
Pháp luật TPHCM