1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh nhân ung thư dạ dày nên ăn gì?

(Dân trí) - Đa số bệnh nhân ung thư dạ dày chủ yếu tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

Dưới đây là những thực phẩm tốt cho bệnh nhân ung thư dạ dày:

Tinh bột

Trong khẩu phần ăn hàng ngày, bệnh nhân ung thư dạ dày nên tăng cường bổ sung tinh bột có trong các loại gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch, các loại củ, nhất là khoai, sắn. Đối với những loại thực phẩm này, người bệnh nên chế biến thành những món súp, cháo để dễ ăn, giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt, đào thải các chất độc hại.

Rau xanh, hoa quả

Rau xanh, hoa quả chứa nhiều vitamin và chất xơ giúp bệnh nhân ung thư dạ dày tiêu hóa tốt, thanh lọc cơ thể, tăng cường sức đề kháng. Người bệnh có thể chế biến bằng cách hầm nhừ hoặc xay nhuyễn, hoặc ép thành nước uống hàng ngày. Các loại rau xanh, hoa quả có trong bắp cải, rau chân vịt, táo, cam, đu đủ, chuối… rất cần cho bệnh nhân. 

Bệnh nhân ung thư dạ dày nên ăn gì? - 1

Thực phẩm giàu protein, chất béo

Bệnh nhân ung thư dạ dày cần được cung cấp đầy đủ sắt, canxi từ sữa, trứng, pho mát và bánh mì, vitamin D trong bơ thực vật, bơ, dầu cá và trứng, đậu nành, lòng đỏ trứng, rau lá xanh và trái cây sấy khô. Đây là những loại thực phẩm giúp cơ thể làm lành vết thương, chống nhiễm trùng trong và sau phẫu thuật, hóa chất và xạ trị. Đồng thời, tăng cường khả năng ngon miệng trong khi người bệnh ung thư dạ dày luôn trong tình trạng chán ăn, ăn uống kém, sụt cân.

Các loại nấm

Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân ung thư dạ dày nên ăn các loại nấm bởi trong nấm có nhiều chất polysaccharide có tác dụng ức chế các tế bào ung thư, kích hoạt tế bào miễn dịch. Trong nấm còn có thêm selen và vitamin D tăng cao sức đề kháng cho cơ thể. Một số loại nấm nên dùng như nấm kim châm, nấm hương, nấm rơm, nấm mèo... Người bệnh có thể xào, nấu súp nấm.

Bệnh nhân ung thư dạ dày nên ăn gì? - 2
Người bị ung thư dạ dày nên ăn nhiều nấm.

Đối với các loại thực phẩm bệnh nhân cần chú ý:

- Các loại thực phẩm phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, không có chất bảo quản.

- Thường xuyên thay đổi khẩu phần ăn và cách chế biến tránh trùng lặp để người bệnh luôn có cảm giác ăn ngon miệng, chia thành nhiều bữa trong ngày để giúp bệnh nhân tiêu hóa tốt.

Đỗ Hiên