1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghệ An:

Bệnh nhân tâm thần "gặp khó" vì quy định chuyển tuyến

(Dân trí) - Theo quy định hiện hành, bệnh nhân tâm thần phải làm thủ tục chuyển tuyến từ trạm y tế xã lên bệnh viện tuyến huyện trước khi được chuyển đến tuyến tỉnh. Quy định này đã đẩy người nhà các bệnh nhân tâm thần vào thế khó, trong khi đó, tình trạng bệnh khó để bệnh nhân thực hiện đủ “quy trình” này.

Chấp nhận đồng chi trả viện phí vì thiếu giấy chuyển tuyến

Đưa người nhà đến Bệnh viện Tâm thần Nghệ An để điều trị, anh Nguyễn Viết D. (huyện Anh Sơn, Nghệ An) được thông báo do chuyển viện không đúng tuyên nên được thanh toán 60% chi phí bảo hiểm.

“Trước đây chỉ cần xin giấy giới thiệu ở trạm y tế xã là có thể nhập viện điều trị và thanh toán theo chế độ bảo hiểm. Nay lại phải xin giấy chuyển tuyến từ trạm y tế xã lên bệnh viện huyện rồi mới được nhập viện tuyến tỉnh.

Khi bệnh nhân tâm thần lên cơn, việc giữ ổn định để đưa đến bệnh viện đã khó rồi, làm sao mà đưa lên trạm y tế xã rồi “áp tải” lên bệnh huyện được nữa. Mà không có bệnh nhân thì cơ sở y tế làm sao có thể cấp giấy chuyển tuyến được?”, anh Nguyễn Viết D. cho hay.

Phần lớn bệnh nhân tâm thần khi được đưa vào viện đã ở giai đoạn nặng (ảnh T.C)
Phần lớn bệnh nhân tâm thần khi được đưa vào viện đã ở giai đoạn nặng (ảnh T.C)

Bà Nguyễn Thị V. (trú huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) đang chăm sóc con trai tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Nguyễn Tiến M. – con trai bà mắc bệnh tâm thần đã 6 năm nay. Bình thường, nếu uống thuốc đều đặn, M. khá hiền lành. Thế nhưng những lúc gia đình thiếu kiểm soát, cậu vớ được chai rượu uống hay tinh thần bị kích động là phát bệnh.

“Cứ mỗi lần em nó phát bệnh là đập phá, la hét. Một mình tôi không thể đưa con đi viện được mà phải nhờ làng xóm, nhờ cả chính quyền địa phương mới giữ được nó, “áp tải” đến bệnh viện. Nói thật, lúc đó chỉ mong làm sao đưa con đến bệnh viện sớm nhất vì sợ nó gây họa cho bản thân, gây nguy hiểm cho người khác, tâm trí đâu mà “dong” con từ xã lên huyện xin giấy chuyển tuyến nữa. Nhà có người bị bệnh tâm thần đã đủ khổ rồi, sao cứ bắt chúng tôi phải vất vả, cực khổ thêm nữa vì cái giấy chuyển tuyến?”.

Các bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Theo quy định mới, trừ những người đã có sổ theo dõi điều trị ngoại trú, bệnh nhân tâm thần phải có giấy chuyển tuyến từ cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện khi vào điều trị tại BV Tâm thần tuyến tỉnh mới được thanh toán bảo hiểm, nếu không có giấy chuyển tuyến phải đồng chi trả 40% chi phí điều trị
Các bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Theo quy định mới, trừ những người đã có sổ theo dõi điều trị ngoại trú, bệnh nhân tâm thần phải có giấy chuyển tuyến từ cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện khi vào điều trị tại BV Tâm thần tuyến tỉnh mới được thanh toán bảo hiểm, nếu không có giấy chuyển tuyến phải đồng chi trả 40% chi phí điều trị

Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, trong 3 tháng đầu năm 2018, có 150 bệnh nhân đến viện phải trở về vì thủ tục chuyển tuyến không đúng như quy định. Có 51 bệnh nhân khi đến bệnh viện đã ở tình trạng nặng, không thể quay về huyện hoàn tất thủ tục chuyển tuyến nên đành phải chấp nhận điều trị theo hình thức “trả một phần viện phí”. Theo quy định, nếu điều trị theo diện “trái tuyến”, bệnh nhân chỉ được bảo hiểm thanh toán 60%. Mỗi đợt điều trị của bệnh nhân tâm thần có khi kéo dài đến hàng tháng, con số 40% đồng chi trả cũng là khoản tiền không hề nhỏ đối với gia đình họ.

Quy định mới “làm khó” bệnh nhân?

Từ năm 2017 trở về trước, bệnh nhân tâm thần được xếp theo diện “đặc thù”. Người bị bệnh tâm thần có thẻ BHYT khi nhập viện điều trị chỉ cần xuất trình thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân hoặc giấy giới thiệu của trạm y tế/ UBND cấp xã, không cần giấy chuyển viện của cơ sở y tế tuyến huyện.

Từ năm 2018, theo Công văn 3174/HDLN:YT-BHXH về đăng kí khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì các trường hợp mắc bệnh tâm thần có sổ theo dõi điều trị ngoại trú mới được xếp vào diện “đặc thù”. Những bệnh nhân không thuộc diện này phải thực hiện theo các quy định về chuyển tuyến.

Người nhà bệnh nhân tâm thần chờ làm thủ tục khám chữa bệnh tại BV Tâm thần Nghệ An
Người nhà bệnh nhân tâm thần chờ làm thủ tục khám chữa bệnh tại BV Tâm thần Nghệ An

Thực tế, tại Nghệ An hiện mới chỉ có khoảng 10% bệnh nhân được cấp số điều trị ngoại trú (thuộc các bệnh tâm thần phân liệt và động kinh). Theo bác sỹ Hà Công Tý - Trưởng khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An thì tất cả trường hợp buộc phải điều trị ở khoa đều rơi vào tình trạng bệnh rất nặng, không còn nhận thức và có nhiều hành động không kiểm soát như đánh đập người khác hay có xu hướng tự sát…

“Những trường hợp này, khi đến viện gia đình cũng cần rất nhiều người “hộ tống” nên bảo họ qua bệnh viện huyện để xin giấy chuyển viện là thiếu thực tế. Đây cũng là thiệt thòi cho bệnh nhân và gia đình, nhất là khi các đối tượng này chủ yếu đều ở vùng miền núi, nông thôn và hoàn cảnh gia đình khó khăn”, bác sỹ Tý cho hay.

Bác sỹ Phan Kim Thìn - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cũng cho rằng quy định mới của liên ngành BHXH và Sở Y tế đã “gây khó” cho bệnh nhân tâm thần. Nhiều bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng kích động, phá phách. Do vậy, khi nhận được thông báo thủ tục chuyển tuyến chưa đủ họ thường phản ứng và gây áp lực lên nhân viên y tế.

Văn bản đề xuất đưa bệnh nhân tâm thần vào diện đặc thù được chuyển thẳng từ tuyến xã lên tuyến tỉnh của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An
Văn bản đề xuất đưa bệnh nhân tâm thần vào diện "đặc thù" được chuyển thẳng từ tuyến xã lên tuyến tỉnh của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An

Bệnh viện Tâm thần Nghệ An đã có văn bản gửi Sở Y tế và BHXH tỉnh Nghệ An đề nghị xem xét cho đối tượng bệnh nhân nằm trong mã bệnh thuộc bệnh tâm thần, động kinh được chuyển tuyến từ trạm y tế xã đến bệnh viện tuyến tỉnh. Hiện, Bệnh viện vẫn đang chờ phúc đáp từ các đơn vị trên.

Và trong khi chờ Sở Y tế, BHXH tỉnh Nghệ An trả lời thì các bệnh nhân tâm thần và người thân của họ vẫn đang tiếp tục gặp khó với quy định chuyển tuyến hiện tại.

Hoàng Lam