1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong vì sai lầm "hết sốt là hết bệnh"

Minh Nhật

(Dân trí) - Một sai lầm rất nguy hiểm là sau giai đoạn đầu của bệnh bệnh nhân và người chăm sóc thấy cắt cơn sốt thường chủ quan nghĩ rằng bệnh đã khỏi.

Tử vong do sốt xuất huyết vì tưởng hết sốt là hết bệnh

Trong những ngày đầu mắc sốt xuất huyết, nữ sinh viên đang theo học tại Hà Nội xuất hiện triệu chứng sốt cao. Trong giai đoạn này, bệnh nhân nghỉ tại nhà, được bạn cùng phòng chăm sóc và theo dõi sát.

Đến ngày thứ 5, bệnh nhân lui sốt. Nghĩ rằng bệnh gần khỏi nên người bạn cùng phòng cho bệnh nhân nghỉ ngơi một mình tại nhà để đi học.

Bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong vì sai lầm hết sốt là hết bệnh - 1

Bệnh nhân sốt xuất huyết thường diễn biến nặng vào giai đoạn sau của bệnh (Ảnh: Khánh Đỗ).

Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, tình trạng nữ sinh bất ngờ diễn biến nặng lên. Lúc được bạn cùng phòng phát hiện, cô gái đã rơi vào tình trạng sốc do mất máu, thoát huyết tương. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện nhưng đã quá muộn và tử vong sau đó.

Đây là một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết xuất phát từ việc bệnh nhân và người chăm sóc chủ quan nghĩ rằng bệnh đã khỏi khi cắt cơn sốt.

Trường hợp này được BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) chia sẻ trong chương trình tọa đàm trực tuyến "Sốt xuất huyết bùng phát: Người dân cần làm gì?", do báo điện tử Dân trí tổ chức vào chiều 6/10.

Một trường hợp tử vong khác cũng vì nguyên nhân này, được BS Cấp chia sẻ, là một cụ ông sống tại Hà Nội.

Bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong vì sai lầm hết sốt là hết bệnh - 2

BS Nguyễn Trung Cấp chia sẻ tại buổi tọa đàm (Ảnh: Hữu Nghị).

Theo thông tin từ người nhà, trong giai đoạn đầu của bệnh, thấy cụ ông sốt cao nên các thành viên trong gia đình sắp xếp người ở nhà chăm sóc. Tuy nhiên, sau vài ngày thấy cụ ông đỡ sốt, con cái đi làm trở lại, cụ ông ở nhà cũng bất ngờ diễn biến nặng.

Cuối ngày sau ca làm, các thành viên trong gia đình về nhà mới phát hiện bệnh nhân đã ở tình trạng rất nặng. Cụ ông tử vong sau khi được đưa vào bệnh viện.

Từ 2 trường hợp này, BS Cấp nhấn mạnh một sai lầm rất nguy hiểm là sau giai đoạn đầu của bệnh thấy cắt cơn sốt người dân thường chủ quan nghĩ rằng bệnh đã khỏi. Trong khi đó, thời điểm này mới là giai đoạn bệnh có nguy cơ chuyển biến nặng cao nhất.

Sốt xuất huyết chia thành các giai đoạn (các pha) khác nhau, cụ thể:

Pha 1: Bệnh nhân sốt cao, đau đầu, khó chịu kéo dài khoảng 3 ngày. Pha này khiến bệnh nhân rất khó chịu do sốt cao, đau đầu, nôn, nhưng ít gây biến chứng nặng. Bệnh nhân chỉ cần uống thuốc hạ sốt, uống oresol.

Pha 2: Giai đoạn này xảy ra từ cuối ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 7. 

Bệnh nhân có 2 tình trạng điển hình. Ở nhóm bệnh nhân diễn biến tốt (94% số bệnh nhân) sẽ dần khỏi.

6% bệnh nhân còn lại, nguy cơ diễn biến nặng, máu trong lòng mạch cô đặc. Nếu nặng có thể dẫn đến tụt huyết áp, sốc vì thoát dịch khỏi thành mạch.

"Điều lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là tình trạng sốc, thường xảy ra ở pha 2, khó theo dõi. Nếu bệnh nhân được can thiệp tốt ngay từ khi có dấu hiệu cảnh báo, chưa sốc thì phục hồi nhanh.

Nếu không phát hiện được để diễn tiến sang sốc thì tiên lượng vô cùng xấu, tỷ lệ cứu sống không cao", BS Cấp nhấn mạnh.

Dấu hiệu cảnh báo đỏ của sốt xuất huyết

Chuyên gia này cũng chỉ ra những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết chuyển nặng người dân cần đặc biệt lưu ý:

- Bệnh nhân mệt: Người già có thể lờ đờ, li bì, chậm chạp. Trẻ em những ngày trước khóc nhiều bất ngờ chuyển sang mệt mỏi, chậm chạp.

- Đau tức vùng gan, đau khắp bụng.

- Nôn, buồn nôn (nôn 3 lần/8 tiếng được tính là nôn nhiều).

- Chảy máu chân răng, xuất huyết.

- Xét nghiệm thấy giảm tiểu cầu, cô đặc máu, men gan tăng.

"Người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Nếu bệnh được xử lý sớm, sau 2-3 ngày bệnh nhân có thể ra viện. Ở giai đoạn này chỉ cần bỏ lỡ 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể rơi vào tụt huyết áp, sốc, chảy máu không kiểm soát, suy đa tạng…", BS Cấp nhấn mạnh.

Tập trung kiểm soát ca bệnh nặng

Bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong vì sai lầm hết sốt là hết bệnh - 3

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân sốt xuất huyết (Ảnh: Khánh Đỗ).

Chia sẻ về tình hình điều trị sốt xuất huyết, theo BS Cấp, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mỗi ngày tiếp nhận 70-80 ca sốt xuất huyết, trong đó có khoảng trên 30 ca có dấu hiệu cảnh báo đe dọa diễn tiến nặng sau vài tiếng,

Cơ sở y tế này đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có khoảng 80 ca trong tình trạng nặng.

"Từ đầu năm đến nay, chúng tôi cũng đã có ca tử vong. Chúng tôi cố gắng kiểm soát ca bệnh nặng, ca có dấu hiệu cảnh báo để hạn chế tử vong.

Sau dịch Covid-19, chúng tôi quen với việc tăng cường mở rộng giường bệnh để đáp ứng nhu cầu bùng phát dịch đột ngột nên trong trường hợp có nhiều bệnh nhân hơn nữa chúng tôi vẫn có thể đáp ứng được", BS Cấp nhấn mạnh.