1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh nhân phẫu thuật bệnh lõm ngực bẩm sinh tăng đột biến dịp hè

(Dân trí) - Theo bác sĩ Ngô Gia Khánh, Khoa Tim mạch, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, những ngày gần đây bệnh nhân mắc bệnh lõm ngực bẩm sinh đến bệnh viện để phẫu thuật tăng cao. Chỉ tính riêng tháng 7 và đầu tháng 8 đã có hơn 40 bệnh nhân đến khám và điều trị.

Bác sĩ Khánh cho biết, bệnh lõm ngực bẩm sinh là dị dạng bẩm sinh của thành ngực do sự phát triển bất thường của xương ức và 1 vài sụn xương sườn. Bệnh nhân mắc bệnh xuất hiện một vết lõm sâu ở thành ngực trước, khiến thành ngực không nở nang mà trái lại, chúng bị lõm sâu vào trong lồng ngực.

Bệnh lõm ngực bẩm sinh vừa làm thay đổi về mặt thẩm mỹ như gây gù vẹo bộ ngực lại vừa gây ra các biến chứng như tim bị chèn ép, làm đảo lộn vị trí và chức năng hoạt động của tim. Bệnh lõm ngực cũng tác động tiêu cực lên phổi, làm giảm chức năng hô hấp. Do đó người bệnh thường có dấu hiệu khó thở, thiếu máu, giảm nồng độ oxy trong máu…
 
Bệnh nhân phẫu thuật bệnh lõm ngực bẩm sinh tăng đột biến dịp hè

Một bệnh nhân đang chờ được tiến hành phẫu thuật bệnh lõm ngực bẩm sinh ở Khoa Tim mạch Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, Hà Nội

Đặc biệt, bệnh lõm ngực bẩm sinh nếu không được chữa trị kịp thời, khi gặp phải các bệnh lý cấp tính khác như viêm phổi, sốt xuất huyết, nhiễm trùng máu thì tai biến rất dễ xảy ra và gây nguy cơ tử vong cao.

“Trước đây, để chữa bệnh này, người ta thường sử dụng phương pháp mổ hở, cắt phần xương xườn ở chỗ lõm ngực và lật ngược lại, sẽ khiến cho bệnh nhân rất đau đớn. Nhưng bây giờ, ở khoa tim mạch chúng tôi đã áp dụng kỹ thuật mới của y học hiện đại là phương pháp phẫu thuật Nuss kết hợp với nội soi lồng ngực”, bác sĩ Khánh trao đổi với PV Dân trí về cách điều trị bệnh.

Theo đó, phương pháp mới này sẽ luồn một thanh đỡ bằng kim loại trung tính để nâng lồng ngực lên (có thể đặt từ 1 đến 3 thanh tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân – PV). Thanh kim loại này có tác dụng nâng khối xương lên, trả về vị trí cũ và định hướng cho khối xương phát triển ra ngoài mà không phát triển vào trong. Kỹ thuật này rất an toàn mà hiệu quả. Sau 2 năm có thể tháo thanh kim loại ra do xương đã ổn định.

Cũng theo bác sĩ Khánh, chi phí phẫu thuật một ca bị lõm ngực bẩm sinh vào khoảng tầm 20 triệu đồng, do bảo hiểm y tế không chi trả cho việc phẫu thuật này. “Lõm ngực bẩm sinh là một loại bệnh lý, bệnh nhân cần được phẫu thuật không chỉ giải quyết vấn đề thẩm mỹ mà còn các biến chứng đi kèm. Độ tuổi phẫu thuật thích hợp nhất từ 7 đến 15 tuổi. Nhưng bảo hiểm y tế lại xem việc chữa trị là loại hình phẫu thuật thẩm mỹ nên không chi trả, gây thiệt thòi cho bệnh nhân. Tôi hi vọng trong thời gian tới bảo hiểm y tế nên xem xét lại quy định này để giúp cho bệnh nhân có điều kiện chữa trị, nhất là đa số bệnh nhân ở các vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn”, bác sĩ Khánh khẳng định.
 
Thế Nam