Bệnh nhân đầu tiên được ghép tim nhân tạo

(Dân trí) - Một bệnh nhân nam 75 tuổi đã trở thành người đầu tiên được ghép tim nhân tạo tại Pháp. Hiện bệnh nhân đang tiến triển và hồi phục tốt.

 

Bệnh nhân đầu tiên được ghép tim nhân tạo có tiến triển tốt


 

Ca mổ được tiến hành tại Bệnh viện Georges Pompidou, Paris (Pháp) vào hôm thứ Tư 18/12. Tim nhân tạo sử dụng cho ca mổ do công ty y sinh học Carmat triển khai. Hiện bệnh nhân đang “tiến triển tốt và hồi phục”.

 

Tim nhân tạo đã được sử dụng trong vài năm gần đây như một giải pháp tạm thời cho những bệnh nhân tim mạn tính. Song sản phẩm của công ty Carmat nhằm cung cấp một giải pháp “quá độ” lâu dài trong thời gian chờ ghép và tạo điều kiện cho bệnh nhân có thể về nhà và thậm chí đi làm trở lại.

 

“Ông ấy gần như đã hết hi vọng”, BS. Christian Latremouille cho biết và nói thêm rằng ca mổ đã diễn ra theo đúng kế hoạch. “Việc can thiệp được thực hiện trong điều kiện tốt... Không có biến chứng nào liên quan tới bản chất của ca mổ ghép tiên tiến này”.

 

“Bệnh nhân còn chưa đi lại được, những chúng tôi sẽ cố gắng để ông ấy sớm ngồi và đứng dậy. Mục tiêu là đưa bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường”.

 

Tim nhân tạo là một thiết bị độc lập được cấy vào ngực bệnh nhân, sử dụng “vật liệu sinh học” mềm và một mạng lưới cảm biến để bắt chước hoạt động co bóp của tim. Mục tiêu là giảm nguy cơ huyết khối và sự đào thải của hệ miễn dịch. Bệnh nhân sẽ phải đeo một thắt lưng gồm những pin lithi để cung cấp điện cho tim.

 

Bác sĩ phẫu thuật Alain Carpentier, người đứng đầu kíp mổ và đã dành 25 năm để phát triển tim nhân tạo, cho biết ông rất biết ơn vì bệnh nhân đã tham gia vào thử nghiệm. “Ông ấy rất hài hước. Ông là một bệnh nhân rất tốt”.

 

Nhiều bệnh nhân khác sẽ sớm được lợi từ thiết bị nặng 900g này. “Nhiều bệnh nhân đã được chọn. Có thể những ca mổ khác sẽ diễn ra trong vài tuần tới đây”.

 

Giai đoạn đầu tiên của thử nghiệm, trên một nhóm nhỏ bệnh nhân bị bệnh giai đoạn cuối tình nguyện tham gia, sẽ đánh giá khả năng sống thêm được một tháng sau mổ, hoặc  sớm hơn nếu bệnh nhân được ghép tim tự nhiên.

 

“Nước Pháp có thể tự hào về nỗ lực vượt bậc này”, Tổng thống Pháp Francois viết trong thư chúc mừng gửi tới kíp mổ.

 

Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng biểu dương thành tích này trên trang mạng xã hội Twitter. “Cảm ơn các bạn vì niềm hy vọng và những triển vọng mà kỳ tích này mang lại”.

 

Hiện có gần 100.000 người ở châu Âu và Mỹ cần được ghép tim.

 

Mỹ cũng đã cấp phép cho một thiết bị tim nhân tạo có tên là AbioCor dành cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối hoặc tiên lượng chỉ còn sống được không quá 30 ngày, không đủ điều kiện để ghép tim tự nhiên và không còn lựa chọn điều trị nào khác.

 

Thùy Linh

Theo Channelnewsasia

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm