Bệnh nhân Covid-19 thứ 174: "Tôi đã thấy mình cận kề cái chết!"
(Dân trí) - "Chưa khi nào tôi thấy mình cận kề cái chết đến như vậy. Tôi khó thở, cứ hít sâu vào là đau tức ngực. Có những lúc cả miệng cả mũi thi nhau thở nhưng lại không cảm nhận một chút dưỡng khí nào".
17/4 là một ngày đặc biệt đối với cô T.T.Đ, một nhân viên của Công ty TNHH Trường Sinh, cũng là bệnh nhân Covid-19 thứ 174 của Việt Nam.
Thời khắc các bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương công bố cô Đ. cùng 16 bệnh nhân Covid-19 khác, đang được điều trị tại cơ sở y tế này hoàn toàn khỏi bệnh, cũng là lúc cuộc chiến dài hơi với kẻ thù vô hình, có những lúc như đã cận kề “cửa tử”, của người phụ nữ 57 tuổi này chính thức được khép lại, với cái kết đầy viên mãn.
Hoàn thành quá trình điều trị kéo dài gần 20 ngày nhưng khi nhìn lại điểm khởi đầu, cô Đ. vẫn không thể tin rằng, mình lại trở thành nạn nhân của một căn bệnh mà trước đó, cô chỉ hình dung một cách mơ hồ thông qua những tin tức nghe được trên ti vi.
Những triệu chứng mơ hồ như cảm cúm
Ngày 21/3, cô Đ. bắt đầu cảm nhận điều bất thường với cơ thể mình. Tuy nhiên, những triệu chứng bệnh khi đó lại khá mờ nhạt và không khác mấy so với bệnh cảm cúm thông thường. “Tôi chỉ cảm thấy hơi mệt, đầu hâm hẩm nóng, cổ họng hơi đau mỗi khi nuốt nước bọt. Nghĩ là người chỉ bị mệt, do nhiều ngày qua làm việc liên tục, nên tôi vẫn đến Bệnh viện Bạch Mai để làm việc” – Cô Đ. nhớ lại.
5 ngày sau, các triệu chứng trở nặng, kèm theo cả sốt và hiện tượng mỏi cơ. Lúc này, trong đầu cô mới loáng thoáng nghĩ đến khả năng mắc Covid-19: “Sáng 26/3, tôi mệt nhưng vẫn gắng đi làm nhưng đến 8 giờ thì không đủ sức phải xin về. Linh tính mách bảo điều chẳng lành, nên ngay chiều hôm đó tôi quyết định đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 1 để khám, ngờ đâu sau khi được bác sĩ tại đây xem xét tình hình, tôi liền được đưa lên xe cấp cứu để chuyển sang cách ly tại cơ sở 2 của Bệnh viện ở Đông Anh”.
"Chưa khi nào tôi thấy mình lại cận kề cái chết đến như vậy"
Cách ly tại tầng 3 của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vào tối 26/3 thì đến 29/3 bệnh tình của cô Đ. trở nên nghiêm trọng, buộc các bác sĩ phải chuyển bệnh nhân sang phòng Cấp Cứu.
Cô Đ. thuật lại diễn tiến bệnh của mình khi đó: “Thời gian đầu mới nhập viện, tôi bị ốm nhưng vẫn gọi điện trò chuyện thường xuyên với các con ở nhà được, nhưng chỉ 2 ngày sau, chỉ cần nghe thấy tiếng điện theo reo là đầu tôi đau như búa bổ. Tôi phải tắt chuông điện thoại đi. Đến ngày 29 thì tôi yếu hẳn, không đi lại được, các bác sĩ phải đưa tôi xuống tầng 1 để cấp cứu”.
Cũng như những bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng khác, chuỗi ngày điều trị tại phòng cấp cứu chính là khoảng thời gian khó khăn nhất với cô Đ.
Thậm chí, cho đến bây giờ, người phụ nữ này vẫn “rùng mình” khi nhắc lại những gì mà mình đã phải trải qua: “Chưa khi nào tôi thấy mình lại cận kề cái chết đến như vậy. Tôi khó thở, cứ hít sâu vào là đau tức ngực. Có những lúc cả miệng cả mũi thi nhau thở nhưng lại không cảm nhận một chút dưỡng khí nào được đưa vào bên trong, cảm giác đó ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Đó là còn chưa kể đến cảm giác kiệt sức, mệt mỏi, những cơn đau đầu và đau cơ liên tục hành hạ”.
Sau khi được chuyển xuống phòng Cấp cứu không lâu, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã buộc phải cho cô Đ. thở máy. Nằm mê man đến ngày thứ 5, bệnh nhân này mới có dấu hiệu hồi tỉnh nhưng cơ thể vẫn đang còn rất yếu. “Lúc đó tôi dần nhận thức được nhưng vẫn nằm li bì trên giường, chỉ biết ra hiệu với các y, bác sĩ bằng cử chỉ. Ví dụ đau đầu thì sẽ chỉ lên đầu hay ra hiệu đi vệ sinh, để người ta thay bỉm cho” – Cô Đ. nhớ lại.
Những vị ân nhân chưa một lần biết mặt
“Những vị ân nhân đã đưa tôi trở về từ cõi chết”, đó là cách cô Đ. nói về các y, bác sĩ đã sát cánh cùng với mình, trong suốt quá trình điều trị tại phòng Cấp cứu 1. Cũng theo như người phụ nữ này mô tả, trong gần 10 ngày điều trị tại khu vực dành cho các ca bệnh nặng này, thứ mà bà nhận được từ các y, bác sĩ, không chỉ đơn thuần là tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy của người thầy thuốc dành cho bệnh nhân, mà còn là tình cảm ấm áp như những người thân trong gia đình.
“Các y, bác sĩ chăm sóc cho tôi từng ly từng tí một. Thời kỳ tôi ốm nặng, không cử động được. Mọi sinh hoạt từ ăn, uống, thay bỉm, tắm gội hay chỉ đơn giản là trở người cũng phải nhờ đến họ, mỗi lần như vậy, tôi lại cảm nhận rất rõ sự ân cần và nhẹ nhàng của các y, bác sĩ tại đây” – Cô Đ. bồi hồi nhớ lại.
Người phụ nữ này tiếp tục mạch cảm xúc: “Những ngày ở phòng Cấp cứu, tôi mệt mỏi chẳng muốn ăn gì. Các y, bác sĩ đã liên tục động viên tôi phải cố gắng mà ăn, không muốn ăn cũng cố gắng nuốt thì mới thắng được con virus này, không ăn thì không thể thắng nó được. Nghe các y, bác sĩ động viên tôi cũng cố gắng ăn, dù miệng đắng ngắt”.
Đến hiện tại, hình ảnh mà cô nhớ nhất về những “chiến binh áo trắng” tại phòng Cấp cứu 1, cũng là cảnh các điều dưỡng kiên nhẫn đút từng thìa cháo, thìa sữa cho mình: “Tôi vừa nhai, vừa nuốt, vừa nghỉ nên đôi khi ăn nửa cốc cháo nhỏ cũng mất gần 30 phút, nhưng chưa bao giờ tôi nghe một lời phàn nàn hay khó chịu”.
Với phác đồ điều trị đúng đắn, sự chăm sóc tận tâm, tận tình cùng nguồn cổ vũ tinh thần to lớn của các y, bác sĩ, sau gần 10 ngày điều trị tại phòng Cấp cứu, tình trạng của cô Đ. đã được cải thiện và được chuyển lên khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, để rồi 3 ngày sau, bệnh nhân từng đối mặt với tử thần này vỡ òa trong niềm hạnh phúc, khi nhận kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. “Lúc được bác sĩ thông báo mình đã âm tính lần 1, tôi vui đến nỗi nước mắt cứ thế trào ra. Không vui làm sao được khi chỉ cách đó vài ngày, đã có lúc tôi nghĩ rằng mình sẽ không qua khỏi”.
Là một bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nên toàn bộ y, bác sĩ tham gia vào quá trình chăm sóc, điều trị cho cô Đ. đều mang đồ phòng hộ cá nhân từ đầu đến chân. Cũng vì thế mà cho đến khi được tuyên bố khỏi bệnh, cô vẫn chưa biết tên cũng chẳng hề rõ mặt những vị ân nhân của mình. Tuy nhiên, đối với người bệnh nhân này, điều đó cũng không quá quan trọng, bởi bà đã kịp cất giữ trong tâm trí vô số những ký ức đẹp về các chiến binh áo trắng, đã sát cánh cùng mình trong cuộc hành trình chống lại virus SARS-CoV-2 kéo dài gần 20 ngày, tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Trong ngày vui được công bố khỏi bệnh, cô Đ. khóc nức nở khi nói về những con người đã cứu sống mình: “Các y, bác sĩ vào chăm sóc cho tôi đều mặc đồ phòng hộ nên tôi không thể biết mặt, biết tên bất kì ai. Vì vậy, tôi không biết làm gì hơn ngoài việc gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến tất cả mọi người đã cứu sống tôi và giúp tôi có được ngày hôm nay”.
Minh Nhật