Thiếu trang thiết bị y tế, bệnh nhân phải tự mua găng tay cho bác sĩ
(Dân trí) - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông xác nhận tình trạng thiếu cục bộ vật tư, trang thiết bị y tế, buộc bệnh nhân phải mua găng tay, dây truyền dịch từ bên ngoài để cung cấp cho bác sĩ phẫu thuật.
Người bệnh phải mua găng tay trước khi lên bàn mổ
Ngày 16/8, anh Ngô Đức Thịnh (xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đăng tải trên mạng xã hội bày tỏ bức xúc khi phải mua găng tay, dây truyền dịch tại các cửa hàng kinh doanh thuốc bên ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông.
Ngay lập tức, bài viết của anh Thịnh đã thu hút gần 1.000 ý kiến, phần lớn đều cho biết, từng rơi vào tình cảnh của anh Thịnh khi đến điều trị tại một số cơ sở y tế công lập trên địa bàn Đắk Nông.
Anh Ngô Văn Thịnh cho biết ngày 15/8, bố anh nhập viện Khoa Chấn thương- Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông.
Tại đây, bố của anh được chẩn đoán có một khối u nhỏ trên bàn tay và được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, điều khiến anh Thịnh bất ngờ chính là việc anh phải tự mua găng tay vô trùng để cung cấp cho các y, bác sĩ phẫu thuật.
"Tôi rất bất ngờ vì từ trước đến nay chưa bao giờ phải đi mua găng tay để cho các y bác sĩ thực hiện phẫu thuật", anh Thịnh nói.
Cũng theo anh Thịnh, không chỉ có bố anh mà còn rất nhiều bệnh nhân khác đang nằm điều trị tại Khoa Chấn thương - Bỏng phải bỏ tiền túi để mua vật tư y tế. Ngoài găng tay vô trùng, người bệnh còn phải mua thêm ống truyền dịch, bột bó bột, dao mổ, nẹp…
Tìm hiểu thêm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, phóng viên Dân trí ghi nhận tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị y tế xảy ra tại một số khoa. Trong đó, găng tay vô trùng, ống truyền - dẫn; dao mổ, thuốc hướng thần… là những loại thường xuyên thiếu nhất.
Khó khăn trong đấu thầu, mua sắm
Trước những phản ánh của anh Ngô Văn Thịnh, bà Lê Thị Nhi, Điều dưỡng trưởng Khoa Chấn thương- Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, xác nhận đang có tình trạng thiếu vật tư y tế.
Tùy từng thời điểm, thiếu các loại vật tư khác nhau, nhưng đều ảnh hưởng trực tiếp tới công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Bà Nhi thông tin, hiện khoa đang có khoảng 70 bệnh nhân nằm điều trị. Trước thực tế thiếu một số vật tư, trang thiết bị, cán bộ, nhân viên y tế đã chủ động giải thích cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Đối với các trường hợp có thể chủ động mua được vật tư, thiết bị y tế, bệnh viện sẽ phối hợp để điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Trong trường hợp không thể mua sắm vật tư y tế, có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân, bệnh viện sẽ tư vấn, giải thích, hỗ trợ chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế khác để tiếp tục điều trị.
"Trong thời gian qua, chúng tôi đã gặp rất nhiều sự phản ứng của người nhà bệnh nhân trước tình trạng thiếu vật tư, thiết bị y tế. Có thời điểm, các y bác sĩ phải tự bỏ tiền túi mua găng tay, ống truyền dịch… để phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân", bà Nhị nói thêm.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Trần Duy Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Trong đó có nguyên do công tác mua sắm, đấu thầu còn bất cập và sự đứt gãy các chuỗi cung ứng sau thời gian bị tác động của dịch Covid-19.
"Trong năm 2022, chúng tôi có 15 gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế trị giá 38 tỷ đồng, song chỉ có 5 gói thầu (trị giá khoảng 10 tỷ) được thực hiện. Theo quy định đấu thầu mua sắm, một gói thầu sẽ diễn ra trong khoảng 3-4 tháng, trong thời gian này, không được đấu thầu các gói khác. Chính điều đó dẫn tới tình trạng không thể triển khai hết tất cả các gói thầu trong 1 năm", bác sĩ Trần Duy Dũng thông tin thêm.
Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cũng nhìn nhận thực tế, năng lực, chuyên môn về mua sắm đấu thầu của cán bộ, nhân viên trong đơn vị còn hạn chế.
"Chúng tôi cũng kiến nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Nông làm đầu mối, thực hiện mua sắm tập trung, qua đó giảm áp lực cho cán bộ, nhân viên các cơ sở y tế đồng thời giúp y bác sĩ tập trung, yên tâm thực hiện công tác chuyên môn", ông Dũng nêu quan điểm.