Bệnh hen suyễn ở trẻ em Việt Nam cao nhất Châu Á

(Dân trí) - Tỷ lệ dân số bị hen suyễn tại Việt Nam thấp hơn mặt bằng chung của các quốc gia khác, nhưng ở nhóm trẻ từ 12 đến 13 tuổi, căn bệnh này lại cao nhất Châu Á. Đây là hệ quả từ việc phòng ngừa và điều trị không triệt để.

Hen phế quản - suyễn (hen suyễn) là sự tái đi tái lại của triệu chứng ho, khò khè, khó thở… Các triệu chứng này thường xảy ra vào chiều tối, đêm và sáng sớm. Người bệnh thường khởi phát cơn suyễn khi thời tiết thay đổi hoặc khi gắng sức, trẻ chơi giỡn, la hét... Đây là một bệnh viêm mạn tính của đường thở.

Tình trạng viêm này làm cho đường thở trở nên rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau, đường thở sẽ phù nề, co thắt, chứa đầy chất nhầy nên bị tắc nghẽn khiến cho người bệnh có cơn ho, khò khè, khó thở. Hẹn suyễn là bệnh mạn tính, hoàn toàn không phải là bệnh lây lan, truyền nhiễm mà là bệnh có tính chất gia đình, di truyền.

Hen suyễn là bệnh mạn tính, không phải bệnh truyền nhiễm nhưng khó điều trị khỏi
Hen suyễn là bệnh mạn tính, không phải bệnh truyền nhiễm nhưng khó điều trị khỏi

Theo kết quả nghiên cứu và thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (năm 2014) số bệnh nhân mắc hen phế quản có xu hướng ngày càng gia tăng, ước tính có khoảng 334 triệu người mắc bệnh hen, dự báo đến năm 2025 số bệnh nhân có thể tăng lên khoảng 400 triệu người trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có khoảng từ 5% bệnh nhân hen được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Tỷ lệ người tử vong do căn bệnh này mỗi năm trên toàn thế giới khoảng 200.000 ca, trong đó tại Việt Nam có khoảng 3.000 ca.

Thống kê trên cũng chỉ ra, Đông Nam Á là khu vực có độ lưu hành hen trên diện rộng, tại Philippines là 11,8% dân số, Malaysia 9,7%, Singapore 14,3%, Thái Lan 9,2%, Việt Nam khoảng 5%. Riêng trẻ em Việt Nam 12 đến 13 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh hen phế quản cao nhất Châu Á với 29,1% và đang có chiều hướng gia tăng.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Trưởng khoa Thăm dò Chức năng, bệnh viện Đại học Y Dược - Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM cho biết: Các nghiên cứu cho thấy đa số người mắc bệnh hen có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường nếu được điều trị đúng cách. Nhưng trên thực tế, phần lớn số bệnh nhân hen lại nản lòng và bỏ dở điều trị.

Bệnh hen suyễn chưa được ngành y tế chú trọng đúng mức nên chưa được kiểm soát tốt. Tại Việt Nam chỉ có 29% bệnh nhân đi khám bác sĩ hoặc cơ sở y tế, có đến 89% bệnh nhân không được điều trị dự phòng; 88% người bệnh không biết hen suyễn có thể kiểm soát được; 43% tự mua thuốc điều trị hoặc mua theo toa cũ.

Chi phí điều trị cho bệnh hen suyễn cũng trở thành gánh nặng xã hội, từ chi phí điều trị trực tiếp như: tiền thuốc, xét nghiệm và các chi phí gián tiếp như phải nghỉ việc do giảm năng suất lao động, bỏ học, bỏ việc giữa chừng để dành thời gian điều trị. Tuy không thể chữa khỏi hẳn, nhưng bệnh hen hoàn toàn có thể phòng và kiểm soát được. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh hen, việc phải kiểm soát liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị từ bác sĩ là rất quan trọng.

Ngoài ra, bệnh nhân cần phải chủ động phòng tránh tác nhân gây triệu chứng bệnh trong môi trường như: tránh tiếp xúc với bụi, khói nhất là khói thuốc lá và các chất kích thích; tránh hoạt động thể lực mạnh và đặc biệt là giữ môi trường sống trong lành. Đây là hành động thiết thực, không chỉ bảo vệ sức khoẻ cá nhân người bệnh mà còn góp phần nâng cao chất lượng sức khoẻ cho cả cộng đồng.

PGS Tuyết Lan cho biết: Nhằm hướng dẫn, cung cấp những kiến thức và điều trị bệnh hen suyễn, sớm mang lại hiệu quả cho người bệnh, đặc biệt là trẻ em, từ ngày 15/5 đến 30/6/2016 khoa Thăm dò chức năng, bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM sẽ tổ chức chương trình “khám và điều trị miễn phí cho trẻ em bị mắc bệnh hen suyễn dưới 15 tuổi, có hoàn cảnh khó khăn”. Các dịch vụ miễn phí được triển khai gồm: khám và chẩn đoán bệnh hen suyễn, khám hô hấp, chụp X-quang, đo hô hấp ký và hỗ trợ miễn phí thuốc điều trị tối đa trong vòng 24 tháng.

Vân Sơn