Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người như thế nào?

Hoàng Lê

(Dân trí) - (Dân trí) -Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể làm lây nhiễm trong thời gian 2-4 tuần. Các nguy cơ lây bệnh đậu mùa khỉ gồm: Tiếp xúc gần với người có triệu chứng; dùng chung quần áo, ga gối, khăn mặt..

Sở Y tế TPHCM vừa ban hành văn bản yêu cầu các địa phương, cơ sở y tế tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Giám sát đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu

Theo văn bản, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết từ ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên phát hiện tại Anh, tính đến ngày 21/5 trên thế giới đã ghi nhận 92 trường hợp mắc bệnh, 28 trường hợp nghi ngờ và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Đến nay, bệnh đã lan ra 19 nước với 270 ca mắc và nghi ngờ.

Các ca bệnh được phát hiện đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch và các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ trước đây. Các trường hợp mắc bệnh được xác định là bị nhiễm virus đậu mùa khỉ chủng Tây Phi, có đặc điểm giống chủng virus lây truyền từ Nigeria sang một số quốc gia năm 2018, 2019. WHO dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.

Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người như thế nào? - 1

Tính đến ngày 21/5, trên thế giới đã ghi nhận 92 trường hợp mắc bệnh (Ảnh: WHO).

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung phòng chống bệnh.

Cụ thể, cần chú ý để định nghĩa về ca mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Trường hợp nghi ngờ: Là người ở mọi lứa tuổi, đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh, bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng như: Đau đầu, sốt (từ 38,5 độ C trở lên), nổi hạch, đau cơ, đau lưng, suy nhược.

Trường hợp có thể: Là trường hợp nghi ngờ và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ như tiếp xúc trực tiếp với người mắc; tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da, bao gồm cả quan hệ tình dục. Hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường hoặc đồ dùng của ca bệnh đậu mùa khỉ trong 21 ngày...

Trường hợp xác định: Là trường hợp nghi ngờ và có kết quả xét nghiệm Realtime PCR dương tính với virus đậu mùa khỉ.

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) củng cố hệ thống giám sát đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu, giám sát qua máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tìm triệu chứng ở người nhập cảnh. Đặc biệt với người đến từ các quốc gia đang lưu hành dịch. Phải lên kịch bản xử lý khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ.

Các trung tâm y tế các địa phương có nhiệm vụ tiếp nhận các trường hợp khai báo có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và hướng dẫn đến các cơ sở y tế để khám và được chẩn đoán, điều trị

Các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân phải sàng lọc và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, báo ngay về HCDC để được xử lý kịp thời.

Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người như thế nào? - 2

Sở Y tế giao yêu cầu HCDC củng cố hệ thống giám sát đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người như thế nào?

HCDC dẫn thông tin từ WHO cho biết, người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ làm lây nhiễm trong thời gian 2-4 tuần. Người dân có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần với người có triệu chứng. Nốt ban, dịch cơ thể (như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da) và vảy đặc biệt có nguy cơ làm lây nhiễm.

Quần áo, ga gối, khăn mặt hoặc vật dụng khác như dụng cụ ăn, bát đĩa bị nhiễm virus do tiếp xúc với người nhiễm bệnh cũng có thể làm lây bệnh cho người khác. Ngoài ra, vết loét, tổn thương hoặc chỗ đau trong miệng cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, nghĩa là virus có thể lây qua nước bọt.

Do đó, người có tương tác gần gũi với người có nguy cơ làm lây nhiễm (bao gồm cán bộ y tế, người nhà và bạn tình) có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người như thế nào? - 3

Tổn thương trên da trên người mắc đậu mùa khỉ (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Virus cũng có thể làm lây bệnh từ người đang có thai sang bào thai qua rau thai hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da.

Ngành y tế TPHCM khuyến cáo, bất cứ ai có tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ, hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. Cán bộ y tế cũng có nguy cơ cao do phơi nhiễm virus trong thời gian dài hơn.

Người đã tiêm vaccine ngừa đậu mùa có nhiều khả năng được bảo vệ ở mức độ nhất định trong phòng ngừa nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Dù vậy, vẫn cần thực hiện các biện pháp đề phòng để bảo vệ bản thân và người khác.