Bệnh cốt tủy viêm xương khiến nhiều người mất mạng nguy hiểm thế nào?
(Dân trí) - Mới đây thông tin 11 bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) bị cốt tủy viêm xương nặng, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong, 6 ca xin về khiến dư luận xôn xao.
Theo đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, chỉ trong 2 tháng gần đây nơi này tiếp nhận đến 11 bệnh nhân bị cốt tủy viêm xương, gây hoại tử xương vùng sọ, mặt rất nặng. Trong đó có 2 trường hợp đã tử vong, 6 ca xin về, 3 bệnh nhân may mắn được cứu sống.
Đáng chú ý, tất cả trường hợp này đều bị nhiễm Covid-19 trước đó, khiến dư luận xôn xao, đặt câu hỏi về bệnh có liên quan đến tình trạng "hậu Covid-19" hay không.
Cốt tủy viêm xương là bệnh gì?
ThS.BS Nguyễn Quang Tú, Phó khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, cốt tủy viêm xương hàm là bệnh tương đối hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Gần đây, một số bệnh viện có đề cập về bệnh này ở nhóm người lớn.
Riêng tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022, nơi này chỉ tiếp nhận 3 trường hợp viêm đa xoang - viêm xương hàm trên, 2 trường hợp nấm xâm lấn gây viêm hủy xương hàm trên và đều có bệnh lý nền đái tháo đường. Tất cả đều điều trị khỏi.
ThS.BS Tú chia sẻ, cốt tủy viêm xương là bệnh nặng toàn thân, có liên quan đến nhiều bệnh lý nền như đái tháo đường không được điều trị sớm, bệnh lý suy giảm miễn dịch (chạy thận nhân tạo, ung thư, HIV...), biểu hiện bằng một tình trạng viêm nhiễm vùng mũi họng. Bệnh nhân thường đi khám với các triệu chứng đau nhức vùng mặt, sưng mắt, lồi mắt, chảy mũi hôi nhiều, đau nhức răng lâu ngày...
Thông thường, bệnh nhân sẽ được thăm khám, chụp hỗ trợ cận lâm sàng như CT, MRI, nội soi để đánh giá toàn diện. Sau đó tùy vào tình trạng, bệnh nhân có thể nhập viện điều trị phối hợp nhiều chuyên khoa.
Theo bác sĩ Tú, bản chất của cốt tủy viêm xương là viêm nhiễm, nhiễm trùng vào đường máu, hủy xương xâm lấn tủy, dù có biểu hiện bên ngoài giống như viêm mũi, viêm răng, viêm xoang. Do đó để kiểm tra, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân chụp phim để xác định có hình ảnh hủy xương không, việc hủy xương có liên quan đến ung thư hay không.
Khi đã tầm soát xác định cốt tủy viêm xương, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật làm rộng, lấy bệnh tích tối đa, kết hợp dùng kháng sinh, kiểm soát nhiễm trùng, xử lý bệnh nền của bệnh nhân như tiểu đường, cao huyết áp.
Những vùng nào có máu nuôi hoặc tủy xương nhiều (như xương hàm trên, xương vùng nội sọ, sát sọ, xương thái dương) đều có thể bị cốt tủy viêm xương, dẫn đến hoại tử nặng và phải mổ.
Dễ chẩn đoán nhầm bệnh
Đặc biệt theo bác sĩ Tú, những bệnh viện tuyến dưới, tuyến huyện dù hiện nay đã có trang bị máy chụp CT nhưng không thực hiện thường quy cũng có thể chẩn đoán nhầm vì thiếu kinh nghiệm, khiến việc điều trị sai cách.
Vì vậy, các bệnh viện khi điều trị bệnh vùng mũi, viêm xoang cho bệnh nhân từ 5-7 ngày nhưng không đáp ứng, nhất là với các trường hợp có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch… có thể hội chẩn liên chuyên khoa, hội chẩn với tuyến trên để đánh giá lại tình trạng chính xác của bệnh nhân.
Nếu phát hiện điều trị sớm, bệnh nhân cốt tủy viêm xương sẽ có kết quả điều trị tốt. Thông thường sau mổ, bệnh nhân sẽ nằm viện điều trị kháng sinh 2 tuần, sau đó sẽ tái khám điều trị ngoại trú bằng thuốc thêm một thời gian nữa
Bác sĩ Tú khẳng định, cốt tủy viêm xương không thể diễn tiến ngay mà sẽ âm ỉ kéo dài. Bệnh nhân có thể uống thuốc thấy bớt, nên bỏ qua không đi kiểm tra, khiến tình trạng nặng hơn.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý điều trị tại nhà hay tự đi chụp CT-Scan. Khi có các biểu hiện sưng mặt, đau mắt, chảy mũi nhiều mà uống thuốc vài ngày không hết thì nên đi bệnh viện để được chỉ định kiểm tra, xử lý phù hợp.
Nhận định về việc gần đây có nhiều trường hợp bệnh nhân bị nhiễm nấm kèm cốt tủy viêm xương rất nặng, thậm chí dẫn đến tử vong, bác sĩ Phan Thị Anh Thư, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, bản chất của cốt tủy viêm xương là do nhiễm trùng. Việc nhiễm nấm cũng có thể gây viêm hủy xương, tuy nhiên chỉ là một trong những nguyên nhân nghĩ đến.
Với ý kiến cho rằng việc hoại tử và viêm xương do hiện tượng tắc mạch máu nuôi xương, bác sĩ Anh Thư cho biết, tình trạng này diễn ra thuận lợi hơn với những trường hợp có bệnh lý nền như đái tháo đường, hay bị suy giảm miễn dịch.
Trả lời câu hỏi việc nhiễm Covid-19 có gây ra bệnh cốt tủy viêm xương hay không, khi những bệnh nhân công bố gần đây là "cựu F0", lãnh đạo Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM khẳng định, chưa đủ bằng chứng khoa học để kết luận có sự liên quan.