1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh cảnh do cúm A H5N1 ngày càng nặng nề

(Dân trí) - Theo ThS Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm & Nhiệt đới quốc gia, cơ may cứu sống bệnh nhân cúm A H5N1 rất thấp do họ chủ quan nhập viện muộn.

Chết vì chủ quan

Tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, từ đầu năm 2008 đến nay, tiếp nhận 3 bệnh nhân nhiễm cúm A H5N1, đều ở thể nặng và tử vong. Các bệnh nhân này đều đến viện khi bệnh đã diễn tiến quá nặng, không thể cứu chữa. Ba bệnh nhân nhiễm cúm A H5N1 đầu năm 2008 đều nhập viện khi đã sang ngày bệnh thứ 4 - 6 và tử vong nhanh chóng sau khoảng 4 - 5 ngày điều trị.

BS Hà khẳng định, chính sự chủ quan của người dân là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này. Trước đó (từ năm 2005), khi mới xuất hiện bệnh cúm A H5N1, người dân có ý thức phòng bệnh rất cao, chỉ cần thấy có dấu hiệu sốt, ho... là đến cơ sở y tế khám. Kết quả là  có thời kỳ, Viện quá tải, buộc Viện trưởng Nguyễn Đức Hiền phải đề nghị cơ sở y tế cần phân loại rõ bệnh nhân, nếu có nghi ngờ mới chuyển lên tuyến trên.

Tuy nhiên, trái ngược với trước đó, thời gian gần đây, nhiều người dân khi có dấu hiệu ho, sốt...thường chủ quan không đi khám bệnh. Người bệnh chỉ nhập viện khi đã có dấu hiệu mắc cúm A H5N1 rất rõ rệt: Đó là suy hô hấp, tổn thương cả hai phổi, kéo theo rối loạn các tạng khác như suy tim mạch, rối loạn đông máu... và đều ở thể nặng. Lúc này, bệnh cảnh sẽ tiến triển rất trầm trọng, các can thiệp y tế hầu như kém hiệu quả, khả năng điều trị khỏi là rất khó.

“Lúc này, chúng ta không thể chỉ nói bệnh cúm A H5N1 là nguy hiểm, mà sự nguy hiểm đã hiển hiện một cách rõ ràng. Có thể người dân cho rằng, thỉnh thoảng mới có một ca mắc cúm A H5N1, chưa bùng phát thành dịch nên không đề cao cảnh giác”, BS Hà bức xúc nói.

Tính đến thời điểm này, Viện Các bệnh truyền nhiễm & nhiệt đới quốc gia đã tiếp nhận 46 bệnh nhân nhiễm cúm A H5N1, trong đó 12 bệnh nhân đã tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi tập trung chủ yếu vào năm 2005. Năm 2007, Viện điều trị khỏi cho 1 bệnh nhân. Ba tháng đầu năm 2008 thì chưa có bệnh nhân nào qua khỏi.

Ưu tiên số 1 về dự phòng

Theo ThS Hà, muốn có hiệu quả điều trị thật sự tốt và sớm thì người bệnh phải uống thuốc dự phòng ngay khi có tiếp xúc với gia cầm bệnh hoặc sống trong vùng có dịch. Còn khi đã vào viện, nếu ở thể nhẹ thì may ra chữa khỏi, còn nếu thể nặng rất khó chữa.

Hơn nữa, việc bệnh nhân nhập viện muộn khiến việc điều tra dịch tễ gặp nhiều khó khăn, người bệnh không nhớ chính xác mình có tiếp xúc với gia cầm ốm, chết hay không. Do vậy, rất khó xác định được yếu tố gây bệnh. Các dấu hiệu dịch tễ bệnh cúm A H5N1 ngày càng trở nên phức tạp như bệnh nhân nhiễm vi rút ở vùng không có dịch hoặc không giết mổ, chăm sóc hay tiếp xúc với gia cầm ốm, chết…

Vì thế, để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, bất cứ người dân nào, dù tiếp xúc trực tiếp hay không tiếp xúc với gia cầm cũng cần nâng cao ý thức tự giác. Đừng chủ quan nghĩ rằng, chỉ có những người giết mổ, nuôi gia cầm ốm mới nhiễm H5N1. Nếu đi sau một người chở lồng gà mang bệnh thì bạn có thể bị nhiễm vi rút. Trên thực tế, đã có những bệnh nhân nhiễm H5N1 không hề có mối liên hệ trực tiếp nào với gia cầm bệnh”, BS Hà nhấn mạnh.

Khi có dấu hiệu ho, sốt, bệnh nhân cần đi khám ngay để xác định bệnh, nhất là với những người có tiếp xúc trực tiếp với gia cầm. Nhập viện sớm không chỉ có cơ may chữa khỏi nhiều hơn, mà còn giúp các bác sỹ có điều kiện điều tra dịch tễ chính xác hơn. Từ đó, các bác sỹ xác định dấu hiệu dịch tễ rõ ràng như lây cúm A H5N1 do giết mổ, chăm sóc gia cầm chết... để giúp người dân phòng bệnh tốt hơn.

Hồng Hải