Bệnh bạch hầu - Nguyên nhân khiến 3 người chết ở Bình Phước

(Dân trí) - Kết quả xét nghiệm cho thấy, 3 bệnh nhân tử vong tại Bình Phước là do bệnh bạch hầu. Hiện trên địa bàn huyện Đồng Phú còn 31 trường hợp đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại các bệnh viện.

Chỉ trong vong nửa tháng, trên địa bàn 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú thuộc huyện Đồng Phú, Bình Phước, hàng chục người phải nhập viện trong tình trạng sốt cao, viêm amidan. Trong đó, 3 trường hợp bệnh nặng đã tử vong.

Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã tiến hành các bước điều tra dịch tễ, gửi mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác định nguyên nhân. Kết quả cho thấy, các bệnh nhân tử vong do mắc bệnh bạch hầu.

Họng bệnh nhân mắc bạch hầu thường bị viêm nặng, kết màng trắng
Họng bệnh nhân mắc bạch hầu thường bị viêm nặng, kết màng trắng

Trước tình hình dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan rộng, chiều 12/7, Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã phối hợp với các sở ngành liên quan tổ chức cuộc họp khẩn bàn phương án phòng và dập dịch. Tại cuộc họp, BS Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Phước, cho hay: Viện Pasteur TPHCM đã lấy mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc với bệnh nhân đã tử vong, những trường hợp đang mắc bệnh và những người tiếp xúc gần với ca bệnh.

BS Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương khoanh vùng dập dịch, phun hóa chất cloramin B tại nơi có bệnh, rà soát những người tiếp xúc với bệnh nhân để theo dõi, phòng ngừa lây lan.

Thống kê của Sở Y tế tỉnh Bình Phước chỉ ra, từ ngày 24/6 đến 12/7, tại tổ 4, 5, 6 (ấp Thuận Tiến) và tổ 2 (ấp Thuận Phú 3) có 34 ca mắc bệnh bạch hầu. Ngoài những trường hợp đã tử vong, hiện còn 31 ca đang tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi thấy có biểu hiện sốt, viêm họng… phải đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, người dân cũng phải giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể lây lan thành dịch trên diện rộng. Bệnh lây từ người sang người chủ yếu thông qua các hạt tiết của đường hô hấp, hiếm gặp hơn là phương thức lây trực tiếp từ tổn thương của bạch hầu da. Thời gian ủ bệnh từ 2 ngày đến 5 ngày. Biến chứng nguy hiểm của bệnh là viêm cơ tim và viêm thần kinh. Tỷ lệ tử vong của bệnh từ 5% đến 10% nhưng có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là thực hiện chủng ngừa trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Vân Sơn