Bên trong khu điều trị F0 nặng nhất Hà Nội
(Dân trí) - "Cô bình tĩnh đã ạ! Cô ơi!", cuộc gọi báo tử từ khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng liên tục bị gián đoạn.
Phía đầu dây bên kia, người phụ nữ đã đứng tuổi không còn giữ được bình tĩnh, khóc thành tiếng, khi biết tin người mẹ 95 tuổi vừa qua đời vì Covid-19.
Chị lấy chồng ở miền Nam, thời gian gần mẹ không được nhiều. Cách đây vài tuần, chị ra Hà Nội chăm mẹ nhưng chỉ được 5 ngày thì bà cụ có kết quả dương tính SARS-CoV-2 và được chuyển vào Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Đại học Y Hà Nội. Từ đó đến lúc mẹ qua đời, chị chưa được gặp bà lần nào.
"Mong muốn duy nhất của con gái bệnh nhân là được vào bệnh viện để nhìn thấy hình hài của mẹ lần cuối, nhưng chúng tôi buộc lòng phải từ chối vì phải đảm bảo các quy định phòng chống lây nhiễm", chị Phạm Thị Thùy, điều dưỡng viên hành chính khu R13, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 chia sẻ.
Tại nơi điều trị những bệnh nhân Covid-19 nặng nhất Hà Nội này, mỗi ngày thường sẽ có 1 - 2 cuộc gọi "đẫm nước mắt".
Theo điều dưỡng Thùy, khi có bệnh nhân Covid-19 tử vong, bác sĩ sẽ nhận nhiệm vụ dùng hotline của bệnh viện liên lạc cho người nhà bệnh nhân để thông báo.
Ngay sau cuộc gọi này, điều dưỡng viên hành chính sẽ thực hiện cuộc gọi thứ hai hỏi người nhà các thông tin còn thiếu của bệnh nhân, để hoàn thiện các hồ sơ cần thiết, cũng như hướng dẫn người nhà cách nhận lại tro cốt và di vật của bệnh nhân.
Từ khi công tác tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, điều dưỡng Thùy đã thực hiện hơn 10 cuộc gọi như vậy.
"Người nhà khi nhận được tin người thân đã qua đời đều hụt hẫng, nhiều người còn khóc nghẹn, mất bình tĩnh. Do đó, ngoài nhiệm vụ khai thác thông tin, chúng tôi cũng cố gắng hết sức có thể để động viên, trấn an. Phần nào đó trở thành chỗ dựa tinh thần cho họ trong giây phút khó khăn đó", chị Thùy bộc bạch.
Thi thể khi được bàn giao sẽ có giấy xác nhận đã đảm bảo các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định.
"Với mỗi bệnh nhân tử vong, chúng tôi cần bảo đảm các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt khi xử lý thi thể, để chống lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, chúng tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nhanh nhất có thể, để người nhà bệnh nhân sớm được "gặp lại" người thân đã mất của mình", nữ điều dưỡng chia sẻ.
Thành lập vào ngày 31/8/2021, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (Đại học Y Hà Nội) trở thành nơi thu dung điều trị của các bệnh nhân Covid-19 tầng 2, tầng 3 lớn nhất Hà Nội với quy mô 500 giường. Hiện bệnh viện có gần 100 y, bác sĩ tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân.
Lượng bệnh nhân được điều trị thời gian gần đây dao động trong khoảng 160 - 200 bệnh nhân. Đáng chú ý, càng ngày số lượng các ca nặng càng nhiều. Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 20 - 30 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân tầng 3 có thời điểm cao hơn con số 10.