Bên trong "công xưởng" sản xuất vắc xin Covid-19 Việt Nam

Minh Nhật

(Dân trí) - Dự kiến, đến cuối năm nay dây chuyền này có thể cho ra lò 30-50 triệu liều vắc xin Nanocovax mỗi tháng.

"Soi" công nghệ sản xuất vắc xin Nanocovax

Vắc xin Covid-19 "made in Vietnam" Nanocovax của Công ty Nanogen hiện đang bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3, với quy mô thử nghiệm lên đến 13.000 người.

Để sản xuất vắc xin Nanocovax, Nanogen đã sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp. Đây là con đường khác với nhiều hãng dược đang làm là cấy đoạn gen virus trực tiếp vào người.

Cận cảnh "công xưởng" sản xuất vắc xin Covid-19 Việt Nam

Công nghệ protein tái tổ hợp cũng là một trong những hướng phát triển vắc xin Covid-19 tiên tiến nhất hiện nay. Nanocovax là vắc xin được xếp loại protein tiểu đơn vị (protein subunit). Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến ngày 4/6, số lượng ứng viên vắc xin sử dụng công nghệ tiểu đơn vị protein đứng đầu trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng với 32 trên tổng số 102 ứng viên.

Bên trong công xưởng sản xuất vắc xin Covid-19 Việt Nam - 1

Bằng công nghệ ADN tái tổ hợp, Nanogen tạo ra dòng tế bào sản xuất protein S (CHO-RSP).

Cụ thể, Nanogen sử dụng tế bào CHO - một loại tế bào có thiết kế gần như tế bào người (được độc quyền bởi Nanogen) - làm môi trường tạo nên protein gai S.

Tuy sản lượng protein gai S sản xuất được từ tế bào CHO là ít và giá của tế bào CHO cao nhưng Nanogen vẫn quyết định sử dụng vì protein gai S tạo ra từ tế bào CHO có chất lượng tốt (giống gai S thật) nên sẽ kích thích được khả năng đáp ứng miễn dịch cao cho cơ thể khi tiêm vắc xin. 

Bên trong công xưởng sản xuất vắc xin Covid-19 Việt Nam - 2

Tế bào tái tổ hợp CHO-RSP sau khi phân lập được bảo quản ở nhiệt độ -150 độ C để sử dụng cho quá trình tổng hợp protein S, đây là thành phần kháng nguyên của Nanocovax.

Protein gai S sau đó được thu hoạch, tinh sạch và trộn cùng tá dược để tạo nên thành phẩm vắc xin. Do không dùng bất kì thành phần sống nào của virus nên Nanocovax có độ an toàn cao.

Bên trong công xưởng sản xuất vắc xin Covid-19 Việt Nam - 3

Một bước trong quá trình tinh chế protein S bằng hệ thống máy sắc ký.

Bên trong công xưởng sản xuất vắc xin Covid-19 Việt Nam - 4

Mẫu kháng nguyên tinh sạch được pha chế thành dung dịch kháng nguyên và lọc vô trùng bởi hệ thống pha chế tự động. Sau đó, tá dược được bổ sung để tạo thành vắc xin bán thành phẩm. 

TS Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen chia sẻ: "Cách làm vắc xin bằng cấy gen trực tiếp tuy nhanh hơn nhưng tính mạo hiểm cao hơn nhiều. Mục tiêu mà Nanogen hướng tới là tạo nên vắc xin có thể bảo vệ cơ thể 100%".

Bên trong công xưởng sản xuất vắc xin Covid-19 Việt Nam - 5
Bên trong công xưởng sản xuất vắc xin Covid-19 Việt Nam - 6
Bên trong công xưởng sản xuất vắc xin Covid-19 Việt Nam - 7

Dây chuyền đóng gói vắc xin Nanocovax.

Nói đến công nghệ protein tái tổ hợp, ngoài Nanocovax, một ứng viên nổi bật trên thế giới là vắc xin Novavax hay Sanofi - GSK.

Hiện Novavax vẫn chưa được cấp phép ở bất kỳ quốc gia nào. Mặc dù có hiệu quả 86% trong việc bảo vệ chống lại biến thể virus ở Anh.

Dự kiến đến cuối năm có 50 triệu liều Nanocovax được ra lò

Nanogen có 4 nhà máy, 3 nhà máy tại TPHCM với diện tích lần lượt là 5.000 m2, 10.000 m2,  24.000 m2, một nhà máy ở Lâm Đồng có diện tích 34.000 m2 và một Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển với tổng diện tích là 73.000 m2.

Công suất sản xuất vắc xin Covid-19 hiện tại của Nanogen là khoảng 8.000.000 liều/tháng. Nanogen đã đặt hàng tank pha chế 1000L (tháng 8 sẽ lắp đặt và vận hành), sau khi lắp đặt, tổng công suất sản xuất tối đa sẽ đạt 10.000.000 liều/tháng cho cả 2 dây chuyền bơm tiêm và lọ. 

Bên trong công xưởng sản xuất vắc xin Covid-19 Việt Nam - 8

Vắc xin Nanocovax.

"Từ giờ cho đến tháng 10, dây chuyền sản xuất của Nanogen có thể đạt công suất 10 - 12 triệu liều/tháng và sau tháng 10 dự kiến có thể nâng công suất lên 30 - 50 triệu liều/tháng, để cung cấp trong nước và cả nước ngoài", TS Hồ Nhân chia sẻ.

Bên trong công xưởng sản xuất vắc xin Covid-19 Việt Nam - 9

Trong quá trình nghiên cứu và sản xuất, các mẫu nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm được kiểm nghiệm liên tục, nhằm đảm bảo vắc xin đạt tiêu chuẩn cao nhất.

Dựa trên kế hoạch và năng lực hiện tại, dự kiến đến cuối năm 2021, Nanogen sẽ sản xuất được khoảng 50 triệu liều vắc xin Nanocovax và sẽ ưu tiên trong nước.

Nanogen cũng đang cố gắng hoàn thiện, mở rộng hệ thống kho lạnh với sức chứa 10 triệu liều và đội ngũ xe lạnh đạt chuẩn đạt chuẩn quốc tế (giữ nhiệt 2-8⁰C) để vận chuyển vắc xin.

Sáng 25/6, Bộ Y tế đã tổ chức họp khẩn với các đơn vị liên quan đánh giá tiến độ thử nghiệm và kế hoạch mở rộng địa điểm thử nghiệm vắc xin Nanocovax.

Dựa trên kết quả nghiệm thu giữa kỳ giai đoạn 2 vào ngày 28/5, Hội đồng Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đánh giá vắc xin Nanocovax có tính an toàn và tính sinh miễn dịch ở giai đoạn thử nghiệm này. Để đánh giá hiệu lực bảo vệ của vắc xin thì cần thêm thời gian và số lượng mẫu, đặc biệt kết quả đánh giá trong phòng thí nghiệm.

Sau khi xem xét, Bộ Y tế, Hội đồng thống nhất với Viện Pasteur TPHCM và Học viện Quân y đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm trên toàn bộ 13.000 tình nguyện viên. Dự kiến đến ngày 15/7 sẽ tiêm xong mũi một cho 13.000 người tình nguyện của giai đoạn 3 và ngày 15/8 sẽ tiêm xong mũi 2 cho 13.000 người tình nguyện của giai đoạn 3. Trong tháng 8, các đơn vị phải có dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 3 để báo cáo Bộ Y tế.