Bên cạnh thuốc lá còn những tác nhân nào gây ung thư phổi?

Minh Nhật

(Dân trí) - Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi. Đáng nói, căn bệnh này khó phát hiện do ở giai đoạn sớm rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi, đây thực sự là con số đáng báo động.

ung_thu

Theo Bệnh viện Ung bướu Hà Nội có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi:

Thuốc lá, xì gà và hút thuốc lào

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với ung thư phổi. Thuốc lá, xì gà và hút thuốc lào đều làm tăng nguy cơ ung thư phổi.

Các nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ ung thư phổi do hút thuốc lá tăng theo số lượng thuốc lá hút mỗi ngày và số năm hút thuốc. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần so với những người không hút thuốc.

Tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ ung thư phổi. Những người hít phải khói thuốc lá tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư giống như những người hút thuốc, mặc dù với số lượng nhỏ hơn. Hít khói thuốc lá được gọi là hút thuốc không tự nguyện hoặc thụ động.

Tiền sử gia đình

Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi cũng là yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi. Những người có người thân bị ung thư phổi thì nguy cơ cao gấp đôi so với những người không có người thân bị ung thư phổi. Một trong những nguyên nhân của mối liên quan này là bởi vì hút thuốc lá có xu hướng tăng trong các gia đình và các thành viên gia đình tiếp xúc với khói thuốc lá.

Nhiễm HIV

Bị nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV), nguyên nhân của hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), có liên quan đến nguy cơ ung thư phổi cao hơn. Theo thống kê, những người bị nhiễm HIV có thể có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn gấp đôi so với những người không bị nhiễm bệnh.

Phơi nhiễm bức xạ

Tiếp xúc với bức xạ là yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi. Bức xạ bom nguyên tử, xạ trị, chẩn đoán hình ảnh và radon là nguồn tiếp xúc với bức xạ:

Bức xạ bom nguyên tử: Tiếp xúc với bức xạ sau vụ nổ bom nguyên tử làm tăng nguy cơ ung thư phổi.

Xạ trị: Liệu pháp xạ trị vào ngực có thể được sử dụng để điều trị một số bệnh ung thư như: ung thư vú và ung thư hạch biểu hiện tại trung thất. Xạ trị sử dụng tia X, tia gamma hoặc các loại phóng xạ khác có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Liều lượng phóng xạ nhận được càng cao, nguy cơ càng cao. Nguy cơ ung thư phổi sau xạ trị cao hơn ở những bệnh nhân hút thuốc so với những người không hút thuốc.

Chẩn đoán hình ảnh: Các chỉ định chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT, cho bệnh nhân tiếp xúc với bức xạ. Chụp CT xoắn ốc liều thấp làm cho bệnh nhân tiếp xúc với bức xạ ít hơn so với chụp CT liều cao hơn. Trong sàng lọc ung thư phổi, việc sử dụng CT scan xoắn ốc liều thấp có thể làm giảm tác hại của bức xạ.

Radon: Radon là một loại khí phóng xạ xuất phát từ sự phân hủy uranium trong đá và đất. Nó thấm qua mặt đất và rò rỉ vào không khí hoặc nguồn nước. Radon có thể vào nhà thông qua các vết nứt trên sàn, tường hoặc nền móng và mức độ radon có thể tích tụ theo thời gian.

Các nghiên cứu cho thấy rằng, lượng khí radon cao trong nhà hoặc nơi làm việc làm tăng số ca mắc ung thư phổi mới và số ca tử vong do ung thư phổi. Nguy cơ ung thư phổi cao hơn ở những người hút thuốc tiếp xúc với radon so với những người không hút thuốc tiếp xúc với nó. Ở những người chưa bao giờ hút thuốc, khoảng 26% trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến việc tiếp xúc với radon.

Phơi nhiễm tại nơi làm việc

Các nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc với các chất sau làm tăng nguy cơ ung thư phổi: amiăng, asen, crom, niken, beryllium, cadmium, tar và bồ hóng…

Những chất này có thể gây ung thư phổi ở những người tiếp xúc với chúng tại nơi làm việc và chưa bao giờ hút thuốc. Khi mức độ tiếp xúc với các chất này tăng lên, nguy cơ ung thư phổi cũng tăng theo. Nguy cơ ung thư phổi thậm chí còn cao hơn ở những người tiếp xúc và hút thuốc.

Ô nhiễm không khí

Các nghiên cứu cho thấy sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn làm tăng nguy cơ ung thư phổi.