Bé vừa sinh bụng đã phình to vì khối u "hiểm" thế giới chỉ ghi nhận vài ca
(Dân trí) - Ngày 12/10, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, vừa qua các bác sĩ nơi đây đã phẫu thuật cứu thành công một trường hợp trẻ vừa chào đời đã mang khối bướu máu phức tạp, rất hiếm gặp ở gan.
Bệnh nhi là bé gái 2 tháng tuổi, quê Cà Mau, nhập viện lúc 2 ngày tuổi vì bệnh viện tuyến dưới ghi nhận có khối bướu ở gan. Khai thác bệnh sử, bé đã được phát hiện bướu khi ở thai kỳ 21 tuần tuổi.
Khối u máu nặng bằng 1/5 cơ thể cháu bé
Thời điểm vào Bệnh viện Nhi đồng 1, khối bướu làm bụng bé phình to. Ảnh chụp CT ghi nhận khối tổn thương trong gan trái, đường kính lớn. Bệnh nhân diễn tiến rối loạn đông máu ngày càng nặng, tiểu cầu ngày càng giảm dù đã truyền bổ sung 3 lần.
Bác sĩ Đặng Nguyễn Quỳnh Như, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, trước mổ, bệnh nhân được chuẩn bị kỹ lưỡng, truyền nhiều máu và các chế phẩm máu. Đến 9 ngày tuổi, bé được phẫu thuật.
Ca mổ được hơn 10 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ phẫu thuật, gây mê, hồi sức, kỹ thuật viên) thực hiện.
Bác sĩ cho biết, khó khăn là gan ở trẻ sơ sinh mềm, dễ rách và khó cầm máu, nên phải cực kỳ cẩn thận. Quá trình mổ, các bác sĩ ghi nhận khối u máu rất to (7x8cm). Trải qua 112 phút, ekip điều trị đã cắt thành công gan trái chứa bướu.
Kết quả giải phẫu bệnh xác định, bé gái mang u máu gan thể trẻ nhỏ. Hậu phẫu, bệnh nhân có 2 ngày thở máy, 3 ngày dẫn lưu ổ bụng, nằm viện 11 ngày.
Bệnh nhi chỉ nặng 2,3kg nhưng kích thước u chiếm hơn 1/5 cơ thể, choáng gần hết ổ bụng.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Phương Anh, quyền Trưởng khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện, bướu máu gan ở trẻ sơ sinh có thể đơn độc hoặc nhiều thùy lan tỏa.
Mặc dù biết can thiệp phẫu thuật gan trong trường hợp này rất khó khăn, chỉ cần mất một ít máu sẽ dễ thay đổi huyết động, khiến bé gặp nguy hiểm tính mạng, nhưng các bác sĩ không còn lựa chọn nào khác.
Trong vòng 10 tiếng đồng hồ, ekip điều trị khẩn trương điều chỉnh các bất thường của cháu bé, trước khi lên bàn mổ. Các phẫu thuật viên cũng dự trù các phương án có thể xảy ra khi mổ, như xử lý ra sao khi khối u đã vỡ, cầm máu và bóc tách thế nào…
Thế giới chỉ ghi nhận vài ca
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, khối bướu của bé gái có kích thước khổng lồ, lại nằm ở vùng gan nên rất nguy hiểm.
Khối bướu máu thông nối tĩnh mạch và động mạch trong gan. Nếu mổ trễ lượng máu theo gan đổ về tim quá lớn, bệnh nhi có thể bị suy tim. Khi ấy, tỷ lệ phẫu thuật thành công rất thấp.
Theo y văn thế giới, những trường hợp bướu máu phức tạp nêu trên rất hiếm gặp, chỉ mới ghi nhận vài ca. Đây cũng là ca bệnh có bướu máu gan lớn nhất và thực hiện khẩn trương nhất từ trước đến nay tại Bệnh viện Nhi đồng 1, không có thời gian can thiệp nội mạch như những ca trước đó.
Quá trình tiến đến cuộc mổ, cuộc hội chẩn khẩn toàn viện đã được diễn ra ở các khoa liên quan. Bệnh nhân được điều chỉnh rối loạn đông máu, hồi sức, gây mê và cuối cùng là lấy khối bướu khỏi cơ thể.
Cũng theo bác sĩ Hiếu, những trường hợp bướu máu dù nguy hiểm nhưng sau can thiệp, trẻ có thể phát triển bình thường, nên không có chỉ định chấm dứt thai kỳ.
Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ theo dõi một trường hợp song sinh mang bướu máu trong thai kỳ.
Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng chia sẻ, nguyên nhân gây bướu máu hiện vẫn chưa xác định, đặc biệt là bướu nằm trong nội tạng.
Một số ý kiến cho rằng có liên quan đến yếu tố di truyền, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm. Với trường hợp này, bệnh nhi đã được xét nghiệm đột biến gen, cho kết quả âm tính.
Do đó, lời khuyến cáo cho các phụ huynh là khi mang thai, cần chú ý tầm soát thai kỳ để kịp thời phát hiện các dị tật bẩm sinh của bé ngay trong bào thai và có kế hoạch điều trị phù hợp.