1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lần đầu ở Việt Nam: Tắc mạch xử lý khối u hiểm gây phù thai, em bé lâm nguy

Hoàng Lê

(Dân trí) - Khối u máu hiếm gặp này khi phát triển lớn sẽ gây nguy cơ biến chứng phù thai, sinh non, suy tim thai hoặc thậm chí khiến thai chết lưu trong bụng.

Ngày 29/8, đại diện Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) cho biết, ekip điều trị nơi này vừa phối hợp với các đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cứu thành công một trường hợp mang khối bướu rất hiếm gặp và nguy hiểm ở bánh nhau.

Bệnh nhân là sản phụ tên V.T.T.N. (35 tuổi, quê Tây Ninh), có tiền căn sinh một lần vào năm 2016 tại Bệnh viện Từ Dũ khi thai mới hơn 35 tuần tuổi, vì nhau tiền đạo ra huyết. Lần mang thai này, bệnh nhân được tiến hành sàng lọc từ đầu, với chẩn đoán nguy cơ thai nhi có bất thường thấp.

Tuy nhiên khi thai đạt 17 tuần tuổi, kết quả siêu âm phát hiện có bướu máu bánh nhau, thai thiếu máu, tim và gan thai to.

Lần đầu ở Việt Nam: Tắc mạch xử lý khối u hiểm gây phù thai, em bé lâm nguy - 1

Kết quả siêu âm phát hiện sản phụ N. có bướu máu bánh nhau (Ảnh: BV).

Khi thai đạt 26 tuần, bệnh nhân được Bệnh viện Từ Dũ phối hợp hội chẩn với Bệnh viện Nhi đồng 1. Kết quả chẩn đoán cho thấy bướu máu bánh nhau có kích thước bướu 59x75mm, gây thiếu máu và phù thai nguy hiểm.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng, các bác sĩ hai bệnh viện quyết định sẽ can thiệp tắc mạch máu nuôi u ngay trong độ tuổi thai trên.

Một ngày sau can thiệp, mạch máu nuôi khối bánh nhau đã tắc hoàn toàn, tình trạng thai dần ổn định, được tiếp tục thực hiện truyền máu bào thai. Ngày 29/8, khi thai đạt hơn 37 tuần tuổi, ekip điều trị đã thực hiện ca mổ bắt con, đưa em bé chào đời an toàn.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, u mạch bánh nhau là khối u mạch máu không thuộc nguyên bào nuôi của bánh nhau, với tỷ lệ gặp chỉ khoảng 1%.

Trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh lý u mạch máu bánh nhau lớn (trên 4,5cm) còn hiếm hơn, chỉ khoảng 1/3.500 đến 1/9.000 (0,29-0,11%).

Lần đầu ở Việt Nam: Tắc mạch xử lý khối u hiểm gây phù thai, em bé lâm nguy - 2

Bệnh nhân được tắc mạch khối u, trước khi mổ bắt con lúc thai đạt 37 tuần tuổi (Ảnh: BV).

Nếu u mạch máu nhỏ, sản phụ và thai nhi có thể không xuất hiện các triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, khi khối bướu máu bánh nhau lớn sẽ gây các biến chứng ảnh hưởng đến tuần hoàn nhau thai.

Có thể kể ra các biến chứng như phù thai (chiếm 14-28% các trường hợp), thiếu máu thai, sinh non, suy tim thai, thai chậm tăng trưởng hoặc thai lưu. Trong trường hợp này, bệnh nhân có bướu máu bánh nhau gây thiếu máu, suy tim thai nặng.

Đến quá trình mổ bắt con, sản phụ cũng có nhiều nguy cơ vì có vết mổ cũ, dính và có tình trạng băng huyết sau sinh. Dù vậy, các bác sĩ đã phối hợp nhịp nhàng để tiến hành ca phẫu thuật thuận lợi.

Lần đầu ở Việt Nam: Tắc mạch xử lý khối u hiểm gây phù thai, em bé lâm nguy - 3

Con gái sản phụ N. chào đời an toàn trong niềm hạnh phúc của bác sĩ và gia đình (Ảnh: BV).

Cũng theo bác sĩ Hải, tắc mạch bánh nhau là kỹ thuật hiện đại trong can thiệp nội mạch của bánh nhau. Trên thế giới hiện nay có nhiều phương pháp điều trị u mạch máu bánh nhau lớn, như can thiệp nội mạch làm tắc mạch máu bánh nhau bằng hóa chất, bằng cồn, laser mạch máu...

Trong đó, can thiệp nội mạch gây tắc mạch chọn lọc để điều trị u máu bánh nhau là can thiệp kỹ thuật cao dưới hướng dẫn của siêu âm, chọn lọc chính xác mạch máu hơn kỹ thuật laser, không có độc tính như tiêm cồn vào lòng mạch và không gây biến chứng chảy máu sau khi rút kim.

Để thực hiện kỹ thuật này cần xác định chính xác mạch máu nuôi khối bướu máu của bánh nhau, sau đó đưa catherter (ống thông y tế) đi sâu vào lòng khối u, bơm chất tắc mạch vào lòng mạch.

Trường hợp của mẹ con sản phụ N. cũng là ca tắc mạch bướu máu bánh nhau thành công đầu tiên tại Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm