Bé trai ở TPHCM tăng 35kg trong 6 tháng, nhiễm cúm A/H1 nguy kịch
(Dân trí) - Bé trai hơn 4 tuổi, tăng 35kg trong 6 tháng phải cấp cứu tại bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM vì nhiễm cúm A/H1 diễn tiến sốc nhiễm trùng, suy hô hấp cấp nguy kịch.
Ngày 17/9, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, vừa qua các bác sĩ nơi đây đã tiếp nhận điều trị một trường hợp bệnh nhi nhiễm cúm A/H1 biến chứng rất nặng.
Bệnh nhi là bé trai tên H.T.N. (hơn 4 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM), có cơ địa béo phì nặng (cân nặng 60kg, chiều cao 120cm, chỉ số BMI 41.6kg/m2). Bé được đưa vào khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc Trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM vì khó thở.
Khai thác bệnh sử, 3 ngày trước nhập viện, N. ho đàm, sổ mũi vàng xanh, sốt vài lần, được phụ huynh tự mua thuốc về cho uống. Đến ngày 3 của bệnh, bé ngủ nhiều, li bì, thở nặng nhọc nên gia đình đưa đi cấp cứu.
Thời điểm vào viện, bệnh nhi trong tình trạng rối loạn tri giác, lồng ngực co kéo, môi tím, nồng độ Oxy trong máu (SpO2) tụt còn 80% với mạch nhanh nhẹ, huyết áp tụt.
Sau khi được tiến hành đặt nội khí quản, các bác sĩ thấy xuất hiện nhiều bọt hồng trong ống thở của bệnh nhi, nên tiếp tục gắn máy thở với các thông số cao, đồng thời truyền dịch chống sốc và thêm thuốc trợ tim mạch để nâng huyết áp của bé lên mức an toàn.
Sau một giờ, tình trạng huyết áp bé tốt hơn, tuy nhiên tình trạng oxy của bé cải thiện chậm. Trải qua đánh giá toàn diện các triệu chứng, xét nghiệm, diễn tiến và hội chẩn chuyên gia, ekip điều trị nhận định đây là trường hợp viêm phổi nặng diễn tiến nhanh, gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS).
Bé được lọc máu để loại bỏ các chất gây viêm, truyền kháng sinh và uống thuốc kháng siêu vi cúm, đồng thời được làm các xét nghiệm chuyên sâu tìm tác nhân viêm phổi. Kết quả xét nghiệm PCR mẫu bệnh phẩm bệnh nhi dương tính với cúm A/H1 chủng đại dịch 2009.
Sau 1 ngày điều trị tích cực, trình trạng oxy trong máu của bệnh nhân ổn định, được điều chỉnh giảm các thông số máy thở và giảm thuốc hỗ trợ tim mạch. Sau 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi tỉnh táo, ngưng lọc máu và thở máy, được tập vật lý trị liệu phục hồi vận động, hô hấp tại khoa trước khi xuất viện.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, 6 tháng gần đây, bé tăng cân nhanh chóng từ 25kg lên 60kg, hạn chế vận động, gặp khó khăn khi ngủ. Bệnh nhi chưa được tiêm ngừa cúm. Ngoài N., gia đình còn có hai bé khác có triệu chứng ho, sốt tương tự.
Theo y văn, béo phì là một trong những yếu tố tiên lượng nặng của cúm. Bệnh nhân béo phì nhiễm cúm có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp diễn tiến nhanh, cần can thiệp điều trị tích cực. Do đó, việc phòng ngừa cúm trên đối tượng này rất quan trọng.
Ngoài ra, trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, bị hen (suyễn), suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, người lớn mắc bệnh mạn tính, người già trên 65 tuổi, người suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, dùng corticoid kéo dài, đang điều trị ung thư...) cũng là các đối tượng có nguy cơ mắc cúm nặng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo cần tiêm nhắc lại vaccine cúm hằng năm, cách tối thiểu 12 tháng so với mũi trước.