1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM: Bé gái 3 tuổi phải chạy tim phổi nhân tạo vì nhiễm cúm A/H1

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sau khi ghi nhận nhiễm cúm A/H1, bé gái biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng, xẹp phổi, tính mạng nguy kịch.

Tối 27/5, đại diện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận, cứu sống một trường hợp nhiễm cúm A/H1 biến chứng rất nặng.

Bé gái tên A. (3 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM). Khai thác bệnh sử, trước khi nhập viện bé sốt cao liên tục, ho, tiêu chảy nhiều lần liên tục trong 3 ngày. Tại bệnh viện bệnh viện địa phương, bé được chẩn đoán viêm phổi, cho điều trị bằng kháng sinh nhưng tình trạng suy hô hấp diễn tiến nhanh.

Bệnh nhi được đặt nội khí quản thở máy, làm xét nghiệm PCR, cho kết quả dương tính với cúm A/H1 (chủng pdm 2009). Thời điểm chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé trong tình trạng li bì tím tái, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) còn 80-82% với thông số máy thở cao, biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng (ARDS).

Ảnh chụp X-quang phổi của bệnh nhi ghi nhận tổn thương lan tỏa 2 bên phổi, xẹp đỉnh phổi phải.

TPHCM: Bé gái 3 tuổi phải chạy tim phổi nhân tạo vì nhiễm cúm A/H1 - 1

Ảnh chụp X-quang ghi nhận bé tổn thương lan tỏa 2 bên phổi (Ảnh: BV).

Trẻ được điều trị tích cực với thở máy thông số cao, dùng kháng sinh phổ rộng, sử dụng thuốc kháng virus, thuốc an thần giãn cơ, điều chỉnh nước điện giải, kiềm toan. Trước tình trạng rất nặng của bé, ekip điều trị đã hội chẩn và quyết định sử dụng phương pháp VV ECMO (tim phổi nhân tạo) với hy vọng cứu được bệnh nhi.

Thời gian sau đó, sức khỏe bé diễn tiến phức tạp, biểu hiện tình trạng nhiễm trùng nặng, sốt, viêm phổi bội nhiễm, bạch cầu tăng cao, suy hô hấp tiếp tục nặng. Lúc này, bé được các bác sĩ đổi kháng sinh, điều chỉnh thông số ECMO, hỗ trợ chức năng các cơ quan.

Kết quả sau gần 3 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, được cai ECMO, sau đó cai được máy thở. Hiện tại, A. tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

TPHCM: Bé gái 3 tuổi phải chạy tim phổi nhân tạo vì nhiễm cúm A/H1 - 2

Bé gái được điều trị tích cực và có gần 3 tuần chạy ECMO (Ảnh: BV).

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh cúm A/H1 chủng đại dịch 2009 là một trong các bệnh cúm mùa hiện nay. Những người nhiễm cúm A/H1 hay virus cúm mùa khác đều có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí gây suy đa tạng và tử vong. Trên thế giới, mỗi năm ghi nhận hàng trăm nghìn trường hợp tử vong do cúm.

Để phòng chống cúm A, ngành y tế khuyến cáo người dân cần rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, ăn uống đủ chất và tiêm vaccine đúng lịch, đủ mũi. Khi xuất hiện sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan.

TPHCM ghi nhận 2 trường hợp trẻ mắc bệnh sởi chưa tiêm vaccine

Trong hai ngày 25-26/5, hệ thống giám sát của TPHCM đã ghi nhận hai trường hợp trẻ mắc bệnh sởi cư trú tại 2 phường thuộc quận Bình Tân.

Trường hợp thứ nhất là bé gái 13 tháng tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa B, nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với triệu chứng sốt ngày thứ 6, sổ mũi, nổi ban rải rác toàn thân, kết mạc mắt đỏ, mi mắt sưng, đau họng. Sau khi khám, xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán bệnh sởi biến chứng viêm phổi và đang được theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

TPHCM: Bé gái 3 tuổi phải chạy tim phổi nhân tạo vì nhiễm cúm A/H1 - 3

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Ảnh: Hoàng Lê).

Trường hợp thứ hai là bé trai 15 tháng tuổi, ngụ phường Tân Tạo, nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới với triệu chứng sốt ngày thứ 4, sổ mũi, ho đàm, tiêu lỏng, xuất hiện hồng ban rải rác ở vùng tai, mắt, thân mình. Bé được chẩn đoán bệnh sởi, viêm phổi bội nhiễm, đang được theo dõi và điều trị tại khoa Hồi sức tích cực với tình trạng còn sốt cao, ho đàm tăng, thở oxy qua ống thông mũi.

Ngay sau khi ghi nhận thông tin,, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) phối hợp Trung tâm Y tế quận Bình Tân điều tra dịch tễ và triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng.

Theo kết quả điều tra dịch tễ ban đầu, chưa phát hiện mối liên quan giữa hai trường hợp này cũng như chưa phát hiện thêm ca bệnh mới tại nơi trẻ sinh sống và đi học. Cả hai trẻ này đều chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi. Lý do được gia đình nêu ra là trẻ thường bị bệnh và do cha mẹ đi làm xa nên không đưa trẻ đi tiêm.