1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

Bé trai 2 tháng tuổi sốc phản vệ sau tiêm Quinvaxem

(Dân trí) - Sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem, uống vắc-xin ngừa bại liệt và Rota, bệnh nhi 2 tháng tuổi đã gặp tình trạng sốc phản vệ phải vào bệnh viện cấp cứu. “Bệnh nhi vào viện kịp thời, nhờ xử lý sớm nên bé đã tạm qua được giai đoạn nguy kịch”.

Chiều 6/9, BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, khoa đang điều trị cho một bệnh nhi với chẩn đoán sốc phản vệ sau chủng ngừa. 

Đó là trường hợp bé Dương Minh T. (2 tháng tuổi, ngụ tại quận 4, TPHCM). Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, sáng 1/9 cháu được người nhà đưa đến bệnh viện Từ Dũ thăm khám và chủng ngừa một số loại vắc xin.

Tỷ lệ sốc phản vệ sau tiêm chủng chỉ từ 1 đến 4/1.000.000 trẻ (ảnh minh họa)
Tỷ lệ sốc phản vệ sau tiêm chủng chỉ từ 1 đến 4/1.000.000 trẻ (ảnh minh họa)

Lúc 8 giờ, bé được tiêm bắp một liều Quinvaxem (sản phẩm của công ty Berna Biotech, Hàn Quốc sản xuất). Khoảng 30 phút sau, thấy bé không có biểu hiện bất thường, nhân viên y tế của bệnh viện tiếp tục cho cháu uống một liều vắc xin ngừa bại liệt OPV (sản phẩm của trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế Việt Nam sản xuất) và uống một liều vắc xin ngừa tiêu chảy Rotarix (sản phẩm của công ty GlaxoSmithKline, Vương quốc Bỉ sản xuất).

Sau khi được chủng ngừa 3 loại vắc xin trên, người nhà tiếp tục lưu bé lại bệnh viện theo dõi trong thời gian 30 phút, thấy tình trạng sức khỏe của bé T. bình thường nên gia đình đưa cháu về nhà. Khoảng 11 giờ cùng ngày, cháu được mẹ cho bú sữa. Lúc 12 giờ bệnh nhi bất ngờ khóc thét, ọc sữa, tím tái,… ngay lập tức cháu được gia đình đưa trở lại bệnh viện Từ Dũ.

Sau khi bác sĩ sơ cứu, bệnh nhi được hỗ trợ thở ô-xy và chuyển sang bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ ghi nhận bệnh nhi nhập viện trong tình trạng rất xấu, người tím tái, tim đập nhanh (220 lần/phút), tay chân lạnh, co gồng, khó thở… Khai thác nhanh bệnh sử, bác sĩ quyết định điều trị cho bé theo hướng của ca bệnh sốc phản vệ sau tiêm vắc xin.

“Chúng tôi đã tiến hành đặt nội khí quản, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm, cho bệnh nhi sử dụng thuốc Adrenalin để chống sốc, tiêm thuốc kháng dị ứng, truyền kháng sinh chống nhiễm trùng… Sau gần một tuần điều trị tích cực, bệnh nhi đang dần bình phục. Hiện bé đã tạm qua được giai đoạn nguy kịch, tuy nhiên vẫn chưa tiên lượng được những ảnh hưởng từ sốc phản vệ đến hệ thần kinh của cháu”, BS Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.

Liên quan đến ca bệnh trên, chiều 6/9, Sở Y tế thành phố đã họp Hội đồng chuyên môn. Thông tin ban đầu về cuộc họp được biết, Hội đồng chuyên môn nhận định việc chủng ngừa và thực hiện cấp cứu, chuyển viện cho bệnh nhi T. phía bệnh viện Từ Dũ đã thực hiện đúng quy trình. Để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, Hội đồng chuyên môn đề nghị bệnh viện Từ Dũ cần sàng lọc bệnh kỹ hơn, theo dõi sát quy trình bảo quản vắc xin.

Vân Sơn – H.Q

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm