Bé lớp một "nghiện" Tiktok, cả nhà hốt hoảng cho con khám tâm thần
(Dân trí) - Với mục đích ban đầu là dùng điện thoại để học online, bé gái lớp một ở Hà Nội dần tiếp cận với Tiktok và bị "nghiện" mạng xã hội này lúc nào không hay.
Nhiều trẻ em "nghiện" mạng xã hội
Theo lời kể của gia đình, ban đầu, bé gái chỉ xem Tiktok và nhờ bố mẹ quay lại các video bắt chước theo "thần tượng" trên mạng.
Gia đình bé gái cho biết, thấy con bắt chước theo các bài hát trên mạng và nhiều người xem, bé cũng rất hứng thú nên chỉ xem đây là một hoạt động giải trí sau giờ học cho bé, không hề cấm cản.
Tuy nhiên, sau một thời gian, bé gái xuất hiện tình trạng bỏ bê học hành, hầu như thời gian rảnh chỉ dán mắt vào Tiktok, thậm chí là tự quay các video để đăng tải mà không cần gia đình trợ giúp. Khi gia đình nhắc nhở, cháu bé lại tự khóa mình trong phòng.
Đây là một trong nhiều trường hợp trẻ em, học sinh có dấu hiệu "nghiện" Tiktok, mà TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) tiếp nhận điều trị trong thời gian vừa qua.
Theo TS Thu, nghiện Tiktok nói riêng và nghiện mạng xã hội nói chung khiến con người bị cuốn vào "thế giới ảo" dẫn đến việc hạn chế những kỹ năng khác.
"Với người trưởng thành, việc nghiện mạng xã hội, nghiện game có thể dẫn đến tình trạng bỏ bê công việc, thậm chí quên ăn, quên ngủ. Với học sinh, dấu hiệu dễ nhận thấy là trẻ bỏ bê học hành, thiếu tập trung", TS Thu phân tích.
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, việc trẻ nghiện mạng xã hội sớm có thể ảnh hưởng đến nhận thức, cũng như sự phát triển tâm sinh lý, dẫn đến những hậu quả lâu dài về sau.
Làm thế nào để cai nghiện mạng xã hội cho trẻ?
Nhiều vị phụ huynh khi thấy con nghiện mạng xã hội ngay lập tức áp dụng các "biện pháp mạnh" như cấm hẳn con dùng thiết bị điện tử, quát mắng, thậm chí là đòn roi.
Tuy nhiên, theo TS Thu đây là cách làm "lợi bất cập hại".
Với trẻ em, các biện pháp cần thực hiện mềm mỏng. Cũng giống như cai nghiện game, phụ huynh cần cho trẻ giảm thời gian vào mạng xã hội dần dần sau đó mới chấm dứt hoàn toàn.
"Các vị phụ huynh có thể lấy việc được vào mạng xã hội như phần thưởng cho trẻ. Ví dụ con học tập tốt, đạt điểm cao, làm việc nhà sẽ được chơi trong một thời gian phù hợp. Sau đó, gia đình nên có lộ trình giảm dần thời gian chơi cho trẻ, không thể mãi xem đó là một phần thưởng", TS Thu lưu ý.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng thành của bố mẹ trong quá trình cai nghiện mạng xã hội cho trẻ. Phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn với trẻ, tạo cho con một lối sống, lịch sinh hoạt lành mạnh, tiếp cận hợp lý với mạng xã hội.
"Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần quyết đoán trong quá trình cai nghiện mạng xã hội cho trẻ, không nuông chiều, mặc kệ con. Nếu để trẻ tái nghiện, lần sau "cai" sẽ khó khăn hơn nhiều", TS Thu nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia tâm lý, các nội dung trên mạng xã hội có khả năng tác động mạnh mẽ vào tâm lý của người xem, đặc biệt là giới trẻ. Những nội dung trong các video này có thể tác động vào thế giới quan cũng như nhận thức của người xem. Khi các hình ảnh và lời nói được lặp đi lặp lại trong đầu, người xem sẽ có xu hướng chấp nhận điều đó, dù có là không đúng với chuẩn mực. Người trẻ thiếu năng lực thông tin, cũng như kiến thức về mặt bảo vệ sức khỏe nên rất dễ bắt chước theo.