Bé gái bị đèn trị vàng da làm bỏng nặng hồi phục ngoạn mục nhờ tế bào gốc

Hoàng Lê

(Dân trí) - Chuyên gia cho biết, liệu pháp tế bào gốc thúc đẩy phản ứng sửa chữa các mô bị tổn thương. Trong nhiều trường hợp, tế bào gốc là phương pháp duy nhất có thể chữa lành bệnh.

Thông tin trên được cho biết tại tọa đàm "Bức tranh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc toàn cầu 2023", vừa diễn ra ở TPHCM. Tọa đàm được chủ trì bởi Phó giáo sư Phan Toàn Thắng, người Việt đầu tiên sáng chế công nghệ tế bào gốc màng cuống rốn, hiện làm việc tại Đại học Quốc gia Singapore.

Báo cáo về ứng dụng trong y học tái tạo của liệu pháp tế bào gốc, Phó giáo sư Lê Xuân Hải, khoa Miễn dịch, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, y học tái tạo là thay thế cơ quan hoặc tổ chức bị hư hỏng, tổn thương do bệnh lý, chấn thương, lão hóa.

Bé gái bị đèn trị vàng da làm bỏng nặng hồi phục ngoạn mục nhờ tế bào gốc - 1

Hình ảnh tế bào gốc trung mô (Ảnh: XH).

Y học tái tạo gắn liền với tế bào gốc và công nghệ ghép mô, tạng. Thực tế hiện nay, chiến lược lâm sàng hiện chỉ tập trung chủ yếu vào giải quyết các triệu chứng. Trong khi đó, nhiều loại bệnh lý đã được điều trị hiệu quả bằng y học tái tạo.

Phó giáo sư Hải chia sẻ, liệu pháp tế bào gốc thúc đẩy phản ứng sửa chữa các mô bị bệnh, rối loạn chức năng hoặc bị tổn thương bằng cách sử dụng tế bào gốc hoặc các dẫn xuất của chúng. Trong nhiều trường hợp, tế bào gốc là phương pháp duy nhất có thể chữa lành bệnh.

Tế bào gốc trung mô (MSC) là các tế bào gốc trưởng thành, sở hữu những đặc tính sinh học rất đặc biệt. Chuyên gia phân tích, MSC có khả năng di cư và định cư tại các vị trí tổn thương, biệt hóa thành nhiều loại tế bào, điều hòa miễn dịch và tiết ra các chất hoạt hóa những tế bào khác.

MSC tồn tại ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể, như mô mỡ, tủy xương, nhau thai, dây rốn trẻ sơ sinh… Trong đó, nhau thai và dây rốn chứa lượng tế bào trung mô và biểu mô lớn nhất, trẻ nhất và có miễn dịch thấp.

Bé gái bị đèn trị vàng da làm bỏng nặng hồi phục ngoạn mục nhờ tế bào gốc - 2

Tế bào gốc được ứng dụng trong điều trị tổn thương da ở bệnh nhân ung thư (Ảnh: XH).

Khi kết hợp công nghệ nuôi cấy và nhân rộng MSC từ mô cuống rốn và nhau thai sẽ giúp chủ động được nguồn tế bào gốc chất lượng cao.

Phó giáo sư Lê Xuân Hải dẫn chứng, thời gian qua, nhiều bệnh nhân đã được ứng dụng công nghệ trên, điều trị rất hiệu quả. Như một trường hợp người đàn ông vào viện trong tình trạng ung thư thanh quản cấp độ 2, được chỉ định liệu trình xạ trị 35 mũi, hóa trị 8 tuần.

Bệnh nhân bị tổn thương da sau đợt xạ liên tục nhưng điều trị bằng cách thông thường không giảm. Sau 30 ngày dùng công nghệ tế bào gốc, vết thương ở cổ đã lành ngoạn mục.

Bé gái bị đèn trị vàng da làm bỏng nặng hồi phục ngoạn mục nhờ tế bào gốc - 3

Chân bé gái sơ sinh khi bị bỏng nặng (trái) sau khi điều trị bằng tế bào gốc (phải) đã cải thiện ngoạn mục (Ảnh: XH).

Hoặc trường hợp của một trẻ sơ sinh bỏng rất nặng vùng chân do điều trị vàng da sai cách, để lại sẹo co rút nặng nề. Sau 2 tháng ứng dụng công nghệ trên, chân bé gái đã trở lại hình dạng bình thường.

Ngoài ra, tế bào gốc còn giúp điều trị tốt các bệnh về viêm - xơ (đặc biệt là bệnh cơ xương khớp), các bệnh tự miễn, chống lão hóa, các bệnh cần tái tạo mạch máu, thần kinh…

Dù vậy, việc ứng dụng MSC phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như cơ thể người bệnh, loại mô, quy trình nuôi cấy… Vì vậy, cần có các quy trình nuôi cấy, đánh giá chất lượng nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng tế bào.