Tế bào gốc máu dây rốn điều trị ung thư như thế nào?
(Dân trí) - Tế bào gốc máu dây rốn được sử dụng để ghép tế bào gốc tạo máu là ứng dụng phổ biến nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Tế bào gốc máu dây rốn được sử dụng để điều trị rất nhiều bệnh lý khác nhau. Đó thường là các bệnh mà tế bào của cơ quan đã tổn thương không hồi phục, cần phải thay thế và tái tạo bằng tế bào gốc như: suy tủy xương, ung thư máu, tan máu bẩm sinh…
Tế bào gốc máu dây rốn còn có tiềm năng của y học tái tạo cơ quan, bộ phận cơ thể trong tương lai.
Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, tế bào gốc máu dây rốn được sử dụng để ghép tế bào gốc tạo máu là ứng dụng phổ biến nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Ghép tế bào gốc tạo máu được thực hiện như thế nào?
Trong bệnh máu ác tính, các tế bào ung thư có khả năng nhân lên vô hạn, chiếm đoạt dinh dưỡng và không gian sống của các tế bào máu bình thường. Người bệnh sẽ bị suy giảm các tế bào máu như hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu, dẫn đến thiếu máu, xuất huyết, nhiễm trùng.
Thông thường, người bệnh được chỉ định điều trị bằng các phương án như hóa trị, xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư, giúp cho tế bào khỏe mạnh có không gian để phát triển trở lại. Tuy nhiên, những tế bào ung thư còn sót lại sau các đợt điều trị vẫn ẩn nấp trong cơ thể và đến một ngày nào đó sẽ trỗi dậy, dẫn đến bệnh tái phát.
Mức độ nặng của bệnh thường sẽ tăng lên và khả năng đáp ứng điều trị có xu hướng giảm trong những đợt tái phát sau. Các nhà khoa học đã nghiên cứu phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu để giải quyết những vấn đề này.
Ghép tế bào gốc tạo máu là một trong những tiến bộ vượt bậc của nhân loại. Nhờ có ghép tế bào gốc tạo máu, nhiều trường hợp bệnh nan y đã có khả năng chữa khỏi.
Quá trình điều trị bằng tế bào gốc gồm 2 giai đoạn như sau:
Giai đoạn "điều kiện hóa"
Đây là giai đoạn dùng hóa chất, tia xạ liều cao để tiêu diệt tối đa các tế bào ác tính còn sót lại trong cơ thể. Sau giai đoạn này, cả tế bào ác tính lẫn tế bào máu bình thường đều gần như bị diệt hoàn toàn.
Cơ thể lâm vào trạng thái suy giảm các tế bào máu tạm thời. Giai đoạn này là cần thiết để tạo không gian cho tế bào gốc sau ghép có thể phát triển được.
Giai đoạn "ghép tế bào gốc"
Là giai đoạn đưa tế bào gốc vào cơ thể và chờ đợi để tế bào gốc tăng sinh, phát triển thành các tế bào tạo máu khỏe mạnh, phục hồi lại cơ quan tạo máu. Tế bào gốc tạo máu như máu dây rốn sẽ vào cơ thể qua đường truyền tĩnh mạch, sau đó theo các mạch máu sẽ tự phân phối đến các tổ chức sinh máu trong cơ thể, chủ yếu là khu vực tủy xương nằm trong các xương dẹt và đầu xương dài trong cơ thể.
Tác dụng của tế bào gốc máu dây rốn
Với quá trình điều trị như trên, kỹ thuật ghép tế bào gốc từ máu dây rốn giúp cơ thể chống lại tế bào ác tính như sau:
- Giai đoạn "điều kiện hóa" đã sử dụng hóa chất, tia xạ liều cao để tiêu diệt rất nhiều tế bào ác tính.
- Giai đoạn "ghép tế bào gốc" đưa tế bào gốc của người hiến vào cơ thể, tạo ra một quần thể tế bào tạo máu mới. Quần thể tế bào này chứa những tế bào miễn dịch có khả năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ác tính.
Nếu còn một số tế bào ác tính sót lại sau giai đoạn hóa chất, tia xạ trước đó thì cũng sẽ bị những tế bào miễn dịch này tiếp tục tiêu diệt. Vì vậy, những bệnh nhân ghép tế bào gốc thành công thì tỷ lệ tái phát thường thấp. Nhiều người có thể coi là khỏi bệnh hoàn toàn như người bình thường.