1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bé gái 2 tháng tuổi tử vong nghi do ngạt sữa

Hà An

(Dân trí) - Trẻ được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng tím tái, ngừng thở, ngừng tim. Mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, nhưng bé đã không qua khỏi.

Theo lời kể của gia đình, trẻ là con thứ 3, đẻ non 32 tuần, cân nặng lúc sinh 1,1kg. Sau sinh bé đã được tầm soát sức khỏe tại bệnh viện và không phát hiện dấu hiệu bất thường, tăng cân phù hợp với lứa tuổi. 

Trước đó, trẻ được mẹ cho bú sữa bình 2 lần vào thời điểm 5h và 6h sáng, nhưng bú ít, trớ sữa, quấy khóc, bụng chướng. Khoảng 9h, thấy con có biểu tím tái, kích thích không có phản xạ, được gia đình vội đưa vào khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo bác sĩ, trẻ nhập viện trong tình trạng tím tái, ngừng thở, ngừng tim trước khi đến bệnh viện. Mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, nhưng cháu bé đã không qua khỏi.

BSCK2 Phạm Thị Thanh Tâm, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Trẻ nhập viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, được cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay. Khi đặt nội khí quản, chúng tôi thấy đọng ít sữa trong khoang miệng, nhưng không thấy sữa trong đường thở. X-quang phổi cho thấy tổn thương nhu mô phổi bên phải lan tỏa. Dịch dạ dày có nhiều sữa chưa được tiêu hóa (dù sau ăn 4 tiếng)".

Bé gái 2 tháng tuổi tử vong nghi do ngạt sữa - 1

Các biện pháp cấp cứu sặc sữa trẻ sơ sinh (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Ngoài ra, kết quả chụp X-quang cho thấy bụng chướng hơi, các quai ruột chứa dịch. Đây cũng có thể là kết quả sau ngừng tim, nhưng cũng có thể là một tình trạng viêm ruột từ trước đó làm cho em bé dễ bị sặc, dễ trớ hơn trẻ khỏe mạnh bình thường.

Theo BS Tâm, sặc sữa là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi. Đây là hiện tượng sữa trào vào đường thở khiến trẻ khó thở, tím tái có thể gây ngừng thở. Nếu không sơ cứu kịp thời có thể gây ảnh hưởng tính mạng cho trẻ.

Cấp cứu trẻ bị sặc sữa

Xử lý đúng cách trong những phút đầu tiên ngay sau khi bé bị sặc là điều vô cùng quan trọng, giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Khi trẻ bị sặc sữa, các bà mẹ cần hết sức bình tĩnh và sơ cứu trẻ theo các bước sau:

- Nếu trẻ còn ho được: Nghiêng đầu trẻ sang một bên, lau sạch sữa ở mũi, miệng trẻ. Khuyến khích để trẻ ho, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ.

- Nếu trẻ không ho được, nhưng còn tỉnh: 

Bước 1: Cho trẻ nằm sấp để đầu thấp hơn ngực trên mặt trong cẳng tay tựa vào đùi, giữ vùng đầu và cằm trẻ ở tư thế thẳng.

Bước 2: Sử dụng gót bàn tay vỗ lưng 5 lần giữa 2 vai của trẻ theo hướng từ trên xuống dưới ra trước.

Bước 3: Sau khi vỗ lưng, dùng cẳng tay còn lại đặt lên lưng trẻ, bàn tay giữ chặt đầu và cổ.

Bước 4: Lật ngửa trẻ một cách cẩn thận (giữ chặt đầu và cổ), giữ trẻ nằm ngửa trên mặt trong cẳng tay tựa vào đùi, giữ đầu thấp hơn cơ thể.

Bước 5: Ấn ngực 5 lần ở vị trí 1⁄2 dưới xương ức, ngay dưới đường liên vú. Mỗi lần đẩy ngực khoảng 1 giây, cố gắng tạo áp lực đủ để sữa ra ngoài.

Bước 6: Lặp lại chu kỳ 5 lần vỗ lưng và 5 lần ấn ngực cho đến trẻ thở lại hoặc khi trẻ không đáp ứng.

- Nếu trẻ bất tỉnh:

Bước 1: Lập tức gọi hỗ trợ từ người thân, cấp cứu y tế (gọi điện thoại, bật chế độ loa ngoài và làm theo hướng dẫn). Người cấp cứu có thể ngồi hoặc quỳ tùy theo điều kiện.

Bước 2: Ngay lập tức áp tim - thổi ngạt cho trẻ :

+ Ép tim: vị trí ½ dưới xương ức, chiều sâu 1/3 đường kính trước sau của lồng ngực: 30 lần ép tim - 2 lần thổi ngạt (Nếu chỉ có một mình), 15 lần ép tim - 2 lần thổi ngạt (nếu có ≥ 2 người cấp cứu).

+ Thổi ngạt miệng - miệng hoặc thổi ngạt miệng - mũi cho trẻ: Thổi hơi vào trong 1 giây, chú ý quan sát lồng ngực trẻ phồng lên. Lặp lại 2 lần. Nếu lồng ngực không phồng lên, lặp lại động tác ngửa đầu nâng cằm, điều chỉnh tư thế ngửa đầu.

+ Miệng - Mũi: Hít 1 hơi bình thường, trùm kín và chặt miệng của người cấp cứu lên miệng và mũi của trẻ.

+ Miệng - Miệng: Hít 1 hơi bình thường, trùm kín và chặt miệng người cấp cứu lên miệng của trẻ. Kẹp chặt cánh mũi với ngón cái và ngón trỏ, bàn tay tì lên trán trẻ

Tiếp tục cấp cứu tại chỗ đến khi trẻ hồng trở lại hoặc có nhân viên y tế hỗ trợ.