1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bé gái 14 tuổi bị đâm thủng tim và phổi, mất 1.000ml máu nguy kịch

Hoàng Lê

(Dân trí) - Khi phẫu thuật mở ngực cấp cứu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi có vết thương thủng tim và phổi, mất 1.000ml máu, tình trạng nguy kịch.

Đó là trường hợp của bé gái tên V.A. (14 tuổi, ngụ phường 7, TP Vũng Tàu).

Bệnh nhi được chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Vũng Tàu sáng 12/3 trong tình trạng kích thích vật vã, da chi lạnh, mạch quay nhẹ khó bắt, huyết áp không đo được. Trước đó, bé bị đâm bằng dao, gây vết thương nặng.

Ngay lập tức, các bác sĩ kích hoạt "báo động đỏ" toàn viện. Qua thăm khám bước đầu, ekip điều trị phát hiện bệnh nhi có 1 vết thương cạnh ức trái, dưới xương đòn trái khoảng 3cm, kích thước 1,5cm thấu vào lồng ngực. Tiến hành siêu âm tim cấp cứu tại giường, bác sĩ ghi nhận vết thương tim và thấy tràn máu màng ngoài tim lượng nhiều, gây chèn ép tim.

Tại phòng mổ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp cùng ekip gồm các bác sĩ, điều dưỡng khoa Ngoại, Gây mê phẫu thuật, Hồi sức tích cực… đã tiến hành mở ngực khẩn cho bé gái. Vết thương của bệnh nhi được xác định đâm xuyên từ trên xuống dưới, gây thủng tim và phổi, tụ máu màng tim lượng nhiều. Bé gái mất 1.000ml máu.

Ekip phẫu thuật đã tiến hành giải phóng màng tim lấy máu tụ, khâu vết thương tim, khâu lỗ thủng phổi, cầm máu dẫn lưu khoang màng phổi trái, hồi sức tim cho bệnh nhân...

Bé gái 14 tuổi bị đâm thủng tim và phổi, mất 1.000ml máu nguy kịch - 1

Các bác sĩ tiến hành mổ tim cấp cứu cho bệnh nhân (Ảnh: BV).

Ca phẫu thuật kéo dài gần 3 giờ đầy căng thẳng, bệnh nhi được truyền nhiều máu và chế phẩm máu. Đến ngày 13/3 (tức sau 24 giờ phẫu thuật), sức khỏe bệnh nhân cải thiện khả quan, huyết động và các chỉ số sinh tồn ổn định. Hiện tại, bệnh nhân vẫn đang được theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Tuấn Tú, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Vũng Tàu cho biết, vết thương tim là tình trạng tối khẩn, thời gian cứu sống người bệnh tính bằng giây và cần sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa nhiều bộ phận, chuyên khoa trong bệnh viện.

Với sự tập trung toàn lực để cấp cứu, các bác sĩ đã hoàn tất được ca mổ phức tạp nêu trên, đưa bệnh nhân thoát khỏi "cửa tử".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm