Bé 9 tuổi ung thư xương, thay khớp gối tăng trưởng đầu tiên tại Việt Nam

Hồng Hải

(Dân trí) - Lần đầu tiên ca thay khớp gối tăng trưởng được thực hiện tại Việt Nam. Các bác sĩ thay thành công khớp gối cho bệnh nhi 9 tuổi.

Ca phẫu thuật thay khớp gối tăng trưởng đầu tiên được thực hiện hôm 1/3 tại Bệnh viện Vinmec Times City. Các bác sĩ đã thay khớp gối tăng trưởng cho bệnh nhi T.L. (9 tuổi).

Bé 9 tuổi ung thư xương, thay khớp gối tăng trưởng đầu tiên tại Việt Nam - 1

Khớp bệnh nhi chuyển động dễ dàng ngay sau khi phẫu thuật (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Trước đó, tháng 10/2021 bệnh nhi phát hiện bị ung thư xương (vị trí đầu dưới xương đùi bên trái) sau khi xuất hiện triệu chứng đau chân.

Đặc biệt, bệnh nhi có tiền sử gia đình có người thân mắc ung thư. Cụ thể, ông ngoại bệnh nhi mất vì ung thư phổi; mẹ mắc ung thư vú đã điều trị; anh trai lớn của cháu đã mất vì ung thư nguyên bào tủy; anh trai thứ hai chưa phát hiện vấn đề gì.

GS.TS.BS Trần Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao miền Bắc của Vinmec; BS CKII Nguyễn Trần Quang Sáng, Trưởng khoa Phẫu thuật u xương và phần mềm và các bác sĩ của khoa đã tiến hành điều trị thay khớp gối tăng trưởng cho bệnh nhi.

GS Dũng cho biết, bệnh nhân ung thư xương thường được tư vấn điều trị bằng cách cắt cụt. Với phương pháp điều trị này, tâm lý của bệnh nhân, gia đình người bệnh rất nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Theo GS Dũng, việc bảo tồn chi không chỉ khiến chất lượng cuộc sống bệnh nhân ổn định sau mổ, các báo cáo cho thấy tỉ lệ bệnh nhân ung thư xương bảo tồn chi sống trên 5 năm lớn hơn bệnh nhân trải qua phẫu thuật cắt cụt.

Tại Vinmec, phẫu thuật bảo tồn chi sẽ được ưu tiên trừ trường hợp bất khả kháng, nhất là đây là một bé gái 9 tuổi, bé còn quá trình phát triển, tăng trưởng rất nhiều sau đó.

Vì thế, các bác sĩ quyết định phẫu thuật bảo tồn chi, sử dụng khớp tăng trưởng. Tuy nhiên, với bệnh nhi 9 tuổi, quá trình phẫu thuật gặp nhiều thách thức.

Thứ nhất, do xương của bệnh nhi quá nhỏ nên các loại khớp sẵn có trên thị trường đều không tương thích. Để thay khớp cho bé, các bác sĩ đã thiết kế riêng khớp in 3D với kích thước phù hợp nhất với cơ thể.

Khó khăn thứ 2, đó là bệnh nhi đang trong độ tuổi phát triển về chiều cao. Thay khớp gối với phương pháp truyền thống, chỉ sau 1 năm sẽ có sự chênh lệch giữa 2 chân, bệnh nhân sẽ lại phải tiến hành thêm các cuộc phẫu thuật để kéo dài khớp giúp 2 chân bằng nhau. Việc này gây đau đớn và tốn kém chi phí.

"Trong khi đó, khớp tăng trưởng được thiết kế để có thể kéo dài bằng dụng cụ y tế chỉ bằng những thao tác đơn giản, không cần can thiệp nhiều vào phần chân đã phẫu thuật", GS Dũng thông tin.

Vì thế, các bác sĩ đã tiến hành thay khớp tăng trưởng cho bệnh nhi. Sau ca mổ một ngày, bệnh nhi đã bắt đầu tập đi, hiện đi lại thuận lợi, dễ dàng.