Bé 7 tuổi tức ngực, phát hiện tim nằm bên phải

(Dân trí) - Bị lõm ngực từ khi chào đời nhưng đến gần đây, khi bé được 7 tuổi, mới xuất hiện tình trnagj khó thở, tức ngực, mệt nhiều.

Nang tuyến phổi khổng lồ chiếm gần hết lồng ngực trái của bệnh nhi
Nang tuyến phổi khổng lồ chiếm gần hết lồng ngực trái của bệnh nhi

Đó là trường hợp bé trai N.M.B.Q. (7 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk). Từ khi chào đời bé đã bị dị tật ngực lõm, thời gian gần đây bệnh nhi có biểu hiện khó thở, tức ngực, mệt nhiều nên gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 thăm khám.

Qua các kết quả kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị dị dạng nang tuyến phổi rất lớn chiếm gần hết phổi trái, đẩy lệch tim sang hẳn lồng ngực bên phải. Nguy hiểm hơn, tình trạng lõm ngực nặng với chỉ số Haller là 4,5 (thông thường chỉ khoảng 3) khiến bệnh nhi đối mặt với nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm như chèn ép tim và trung thất, cản trở chức năng hô hấp, viêm phổi nặng… nguy cơ tử vong nếu trì hoãn can thiệp sớm.

Các bác sĩ thực hiện nội soi cắt nang tuyến phổi đồng thời đặt dụng cụ nâng lồng ngực cho bệnh nhân
Các bác sĩ thực hiện nội soi cắt nang tuyến phổi đồng thời đặt dụng cụ nâng lồng ngực cho bệnh nhân

Bệnh nhi có tổn thương ở thùy dưới phổi trái rất to và viêm dính nhiều vào thành ngực. Sau hội chẩn bệnh viện quyết định phối hợp liên chuyên khoa thực hiện cuộc phẫu thuật khẩn cắt thùy phổi qua phương pháp nội soi đồng thời nâng ngực lõm cho bệnh nhi. Sau 4 tiếng khẩn trương, các bác sĩ đã thực hiện thành công phương pháp cắt thùy phổi bằng nội soi và đặt dụng cụ nâng lồng ngực cho bệnh nhi. Ngày 28/8, hơn 1 tuần sau phẫu thuật can thiệp bệnh nhi hết mệt, ăn uống tốt, tối ngủ ngon.

BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc bệnh viện cho hay: Dị dạng nang tuyến phổi bẩm sinh có tần suất khoảng 1/12000, còn dị tật lõm ngực có tần suất vào khoảng 1/1000. Tuy nhiên 2 dị tật phối hợp cùng một lúc là trường hợp rất hiếm. Cuộc mổ giải quyết dứt điểm cả 2 bệnh rất khó, chưa nhiều trung tâm trên thế giới có thể thực hiện.

Vân Sơn