1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bắt quả tang một xưởng chế biến lạp xưởng từ mỡ thối

Theo chân đoàn vào cơ sở sản xuất lạp xưởng sáng 21/12, biết được lạp xưởng ở những nơi này làm bằng gì và “quy trình công nghệ” kiểu này thực sự hãi hùng.

Bắt quả tang một xưởng chế biến lạp xưởng từ mỡ thối - 1

Lạp xưởng thành phẩm vứt cả ra nền gạch

 

Sáng 21/12, đội 2 - Cảnh sát môi trường TPHCM phối hợp với cơ quan liên ngành đột nhập kiểm tra cơ sở sản xuất lạp xưởng Hồng Ngọc (số 137/107 Phan Anh, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân). Đập vào mắt mọi người là cảnh sản xuất thực phẩm trong điều kiện hết sức nhếch nhác, mất vệ sinh. Nhân viên làm việc không đeo khẩu trang, bao tay.

 

Lạp xưởng thành phẩm được vứt bê bối trên nền gạch, đường đi sát nhà vệ sinh, nhân viên dùng phẩm màu và phụ gia để tạo màu và làm mất mùi hôi cho lạp xưởng... Bên cạnh đó, nhiều thùng mỡ được chất cao hơn đầu người, khoảng 500kg mỡ đã bốc mùi hôi thối. Sau khi kiểm tra, cảnh sát môi trường đã phải chuyển cho các cơ quan liên ngành tiêu huỷ hàng tấn mỡ heo và lạp xưởng thành phẩm.

 

Tại cơ sở Ngọc Linh ở quận Tân Phú, đoàn kiểm tra đã bắt quả tang việc dùng mỡ hôi thối trộn với mỡ mới để chế biến lạp xưởng. Ruột heo muối được ngâm trong thùng không có nguồn gốc rõ ràng. Tại thời điểm kiểm tra, sản phẩm đã đóng gói xong ngày 16/12, nhưng cơ sở lại ghi ngày sản xuất 18/12. Trước đó, ngày 13/12, cơ quan này đã đột nhập vào cơ sở sản xuất lạp xưởng Bảo Trân (phường Phú Thạnh, Tân Phú) phát hiện 1,5 tấn mỡ thối, đã chuyển sang màu vàng, xanh.

 

Ông Lâm Hiếu Nghĩa, đội trưởng đội 2, Cảnh sát môi trường TPHCM cho biết, từ đầu tháng 12 đến nay đã kiểm tra 7 cơ sở sản xuất thực phẩm tết (lạp xưởng, mứt và chế biến hải sản), phát hiện 100% các cơ sở kiểm tra đều vi phạm về vệ sinh thực phẩm.

 

Tại cơ sở lạp xưởng Bảo Trân, các trinh sát đã phải mất nhiều ngày đêm theo dõi, phục kích mới tìm ra được kho hàng mỡ thối nằm ngoài nơi sản xuất. Nhiều cơ sở dù có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng thực tế thì quá tệ. Có cơ sở năm trước bị đóng cửa, năm nay lại tiếp tục vi phạm. Nguyên nhân: do mức phạt thấp, người sản xuất không sợ.

 

Theo ông Nghĩa, với các cơ sở này, nếu chỉ phạt không thôi thì chưa đủ mà cần xem xét để khởi tố tội làm lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

 

TS Phan Thế Đồng, khoa công nghệ thực phẩm, trường đại học Nông lâm TPHCM cho biết, khi thịt, mỡ đã thối, phân huỷ nhưng vẫn được chế biến thành thực phẩm thì có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, dễ gây bệnh ung thư. Mỡ thối là do quá trình để lâu bị oxy hóa, vi sinh, nấm mốc phát triển và sinh ra độc tố. Để làm mất mùi, mất màu thịt (mỡ) đã bị thối, người ta thường dùng oxy già, lưu huỳnh để ngâm, tẩy rửa. Nhưng dù bằng cách nào đi nữa cũng chỉ diệt được một số vi khuẩn, độc tố vẫn còn.

 

Theo GS.BS Phạm Hoàng Phiệt, chủ tịch hội Gan mật TPHCM, tất cả những loại thực phẩm bẩn, hôi thối đều có khả năng nhiễm bệnh, nhiễm độc tố. Người tiêu dùng ăn vào, gan sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, nếu ăn nhiều và ăn liên tục thức ăn nấm mốc, có độc tố sẽ dễ bị ung thư gan.

 

Theo H. Nhung

Sài Gòn Tiếp Thị